Bắt đầu sử dụng Bảng điều khiển quản lý AWS

HƯỚNG DẪN BẮT ĐẦU

Tổng quan

Bảng điều khiển quản lý AWS là một ứng dụng web tập hợp nhiều bảng điều khiển dịch vụ để quản lý tài nguyên AWS. Khi đăng nhập lần đầu tiên, bạn sẽ thấy trang chủ Bảng điều khiển. Trang chủ giúp bạn truy cập vào từng bảng điều khiển dịch vụ và là nơi tập trung để bạn truy cập thông tin cần thiết nhằm thực hiện những việc liên quan đến AWS. Bạn cũng có thể tùy chỉnh trang chủ Bảng điều khiển bằng cách thêm, xóa bớt và sắp xếp lại các tiện ích, chẳng hạn như tiện ích truy cập gần đây, Trạng thái AWS, Trusted Advisor và hơn thế nữa.

Mặt khác, bảng điều khiển dịch vụ riêng lẻ cung cấp nhiều công cụ cho điện toán đám mây cũng như thông tin về tài khoản và thông tin thanh toán của bạn.

Nội dung bạn sẽ tìm hiểu

Trong hướng dẫn này, bạn sẽ tìm hiểu về:

  • Các phần khác nhau của trang chủ Bảng điều khiển
  • Cách truy cập thông tin tài khoản
  • Cách chuyển đổi Khu vực AWS
  • Cách sử dụng các tiện ích trên trang chủ Bảng điều khiển

Điều kiện tiên quyết

Trước khi bắt đầu hướng dẫn này, bạn sẽ cần:

 Trải nghiệm AWS

Mới bắt đầu

 Thời gian để hoàn thành

15 phút

 Chi phí để hoàn thành

Miễn phí khi sử dụng Bậc miễn phí của AWS

 Yêu cầu

  • Tài khoản AWS
  • Trình duyệt được đề xuất: Phiên bản Chrome hoặc Firefox mới nhất

[**]Các tài khoản được tạo trong vòng 24 giờ qua có thể chưa truy cập được vào các dịch vụ cần thiết cho hướng dẫn này.

 Lần cập nhật gần nhất

Ngày 12 tháng 3 năm 2022

Hướng dẫn

Bảng điều khiển quản lý AWS

Trang chủ Bảng điều khiển

Sau khi đăng ký tài khoản AWS mới và đăng nhập, bạn sẽ thấy trang thông tin của bảng điều khiển. Đây là điểm khởi đầu để tương tác với các dịch vụ AWS khác nhau và các thành phần quan trọng khác trên bảng điều khiển. Trang thông tin bao gồm một thanh điều hướng ở đầu trang và một số tiện ích ở phần thân trang. Bạn có thể định cấu hình và sắp xếp lại những tiện ích này. AWS đang phát triển nhiều tiện ích hơn để bạn có thể tùy chỉnh trải nghiệm bảng điều khiển của mình một cách chi tiết hơn.

Đầu tiên, chúng ta sẽ xem thanh điều hướng ở đầu trang. Trong hình ảnh bên phải, chúng tôi đã đánh dấu năm phần điều khiển trên thanh điều hướng: 

  1. Thông tin tài khoản
  2. Menu chọn khu vực
  3. Menu chọn dịch vụ
  4. Hộp tìm kiếm
  5. AWS CloudShell

Thông tin tài khoản AWS

Menu được đánh dấu đầu tiên chứa thông tin và liên kết cho tài khoản của bạn. Menu này hiển thị ID tài khoản AWS và người dùng hiện đang đăng nhập vào bảng điều khiển, cùng với các liên kết để đến các trang sau:

  • Account (Tài khoản) – Thông tin chi tiết về tài khoản của bạn, bao gồm địa chỉ, thông tin liên hệ, cài đặt thanh toán và hơn thế nữa. Để xem danh sách đầy đủ các chủ đề mô tả cách quản lý tài khoản của bạn, hãy tham khảo phần về Quản lý tài khoản AWS của bạn trong Hướng dẫn tham khảo về quản lý tài khoản AWS.
  • Organization (Tổ chức) – Tổ chức AWS là dịch vụ quản lý tài khoản cho phép bạn hợp nhất nhiều tài khoản AWS thành một tổ chức mà bạn tạo và quản lý tập trung. Để biết thêm chi tiết, hãy xem Hướng dẫn sử dụng Tổ chức AWS.
  • Service Quotas (Hạn mức dịch vụ) – Hạn mức, còn được gọi là giới hạn trong dịch vụ AWS, là giá trị tối đa cho các tài nguyên, hành động và mục trong tài khoản AWS của bạn. Khi một tài khoản mới được tạo, sẽ có các giá trị mặc định, chẳng hạn như gán năm địa chỉ IP linh hoạt. Nếu muốn tăng giới hạn, bạn có thể điền phiếu hỗ trợ. Để biết thêm chi tiết, vui lòng xem tài liệu về hạn mức.
  • Billing Dashboard (Trang thông tin thanh toán) – Bạn có thể sử dụng trang thông tin của Bảng điều khiển thanh toán AWS để nắm được thông tin chung về tình hình chi tiêu cho AWS của mình. Để biết thêm chi tiết, hãy xem phần Using the AWS Billing console dashboard (Sử dụng trang thông tin của bảng điều khiển Thanh toán AWS) trong Hướng dẫn sử dụng dịch vụ Thanh toán AWS.
  • Security Credentials (Thông tin chứng thực bảo mật) – Liên kết này sẽ đưa bạn đến trang người dùng AWS IAM, trong phần IAM của bảng điều khiển. Tại đó, bạn có thể thay đổi mật khẩu, thêm phương thức xác thực 2 yếu tố, tạo khóa API AWS và hơn thế nữa. Để biết thêm chi tiết, hãy xem Hướng dẫn sử dụng dịch vụ Quản lý danh tính và truy cập trong AWS.
  • Settings (Cài đặt) – Liên kết này sẽ đưa bạn đến trang cấu hình General Settings (Cài đặt chung). Từ đây, bạn có thể quản lý cài đặt chung của bảng điều khiển như ngôn ngữ và khu vực mặc định, cũng như các tùy chọn để tối ưu hóa trải nghiệm hiển thị bảng điều khiển.

Khu vực AWS

Menu được đánh dấu thứ hai hiển thị Khu vực AWS hiện đang được chọn. Cơ sở hạ tầng toàn cầu của AWS được nhóm thành các Khu vực và mỗi dịch vụ được lưu trữ trong một Khu vực, trừ phi đó là một dịch vụ toàn cầu, chẳng hạn như AWS IAM hoặc Amazon Route 53. Menu sẽ hiển thị Khu vực hiện được chọn hoặc “Global” (Toàn cầu) khi bạn đã chọn dịch vụ toàn cầu. Nội dung menu bao gồm nhóm Khu vực, chẳng hạn như “US East” (Miền Đông Hoa Kỳ); tên khu vực, chẳng hạn như “N. Virginia” (Bắc Virginia); và chuỗi biểu thị Khu vực do AWS CLI, SDK và các dịch vụ khác sử dụng, chẳng hạn như “us-east-1”.

Khi bạn nhấp vào Khu vực hiện đang được chọn, menu thả xuống bao gồm tất cả Khu vực được hỗ trợ sẽ hiển thị. Bạn có thể chuyển bảng điều khiển sang một Khu vực khác bằng cách nhấp vào một Khu vực trong danh sách.

Sử dụng thanh cuộn ở bên phải để xem danh sách lựa chọn đầy đủ.

Menu chọn dịch vụ AWS

Menu được đánh dấu thứ ba là menu chọn dịch vụ AWS. Bạn có thể sử dụng menu này để chuyển giữa các dịch vụ được nhóm theo hạng mục cấp cao nhất, chẳng hạn như Compute (Điện toán), trong đó bao gồm Amazon EC2, cùng với các dịch vụ khác như AWS Elastic Beanstalk và Amazon Lightsail. Đây là cách tuyệt vời để khám phá các dịch vụ khác nhau theo danh mục, nhất là khi bạn chưa quen với AWS. 

Bạn cũng có thể đánh dấu các dịch vụ yêu thích bằng cách chọn ngôi sao bên cạnh tên dịch vụ để ghim vào thanh điều hướng. Bạn có thể chọn ngôi sao ở bất cứ nơi nào bạn thấy, bao gồm cả hộp tìm kiếm.

Mục được đánh dấu thứ tư là hộp tìm kiếm. Khi bạn nhập văn bản vào hộp, công cụ tìm kiếm cơ sở sẽ tìm kiếm nhiều vị trí khác nhau để khớp với văn bản mà bạn đã nhập. Kết quả trả về sẽ bao gồm 8 phần sau:

  • Services (Dịch vụ): Danh sách các dịch vụ AWS
  • Features (Tính năng): Danh sách các tính năng của dịch vụ AWS
  • Blogs (Blog): Bài đăng trên blog AWS
  • Documentation (Tài liệu): Tài liệu về AWS
  • Knowledge Articles (Bài viết kiến thức): Trung tâm kiến thức Hỗ trợ AWS cao cấp
  • Tutorials (Hướng dẫn): Hướng dẫn thực hành từ Trung tâm tài nguyên bắt đầu của AWS
  • Events (Sự kiện): Sự kiện sắp tới hoặc được cung cấp theo yêu cầu, do AWS tổ chức
  • Marketplace (Chợ điện tử): Các sản phẩm của Chợ điện tử AWS mà bạn có thể triển khai trong tài khoản AWS của mình

Tìm kiếm là một cách nhanh chóng để tìm và truy cập vào các dịch vụ và tài nguyên mà bạn cần. Nếu công cụ tìm kiếm không thể tìm thấy kết quả phù hợp thuộc một trong các mục này, thì mục đó sẽ không được đưa vào danh sách. Bạn có thể thêm dịch vụ vào thanh điều hướng bằng cách chọn ngôi sao để đánh dấu dịch vụ yêu thích.

AWS CloudShell

Mục được đánh dấu thứ năm là biểu tượng AWS CloudShell. Khi chọn biểu tượng này, bạn sẽ khởi chạy môi trường shell dựa trên trình duyệt được xác thực trước bằng thông tin chứng thực bảng điều khiển của bạn. Hãy sử dụng môi trường này để thực thi các lệnh hoặc tập lệnh AWS CLI bằng AWS CDK từ trình duyệt của bạn. Nếu bạn thêm bất kỳ tệp nào vào CloudShell (giới hạn tối đa 1 GB), thì tệp giữa các phiên sẽ được duy trì.

CloudShell là một công cụ có ích để tương tác an toàn với tài khoản AWS của bạn. Ngoài ra, công cụ này hỗ trợ riêng cho Khu vực, nên bất kỳ tệp nào bạn tải lên đều dành riêng cho Khu vực đó. Vùng đang chọn hiển thị bằng màu cam ở trên giao diện đầu cuối.

Các tiện ích trên trang thông tin AWS

Trang thông tin cũng chứa một số tiện ích để giúp bạn bắt đầu. Chúng ta sẽ bàn về các tiện ích mặc định nhưng bạn có thể di chuyển, chỉnh cỡ hoặc thêm các tiện ích khác từ menu thả xuống “Actions” (Hành động). Ba tiện ích trong số này cung cấp liên kết tĩnh để bạn tìm hiểu cách xây dựng giải pháp hoặc khám phá AWS: Welcome to AWS (Chào mừng bạn đến với AWS), Build a solution (Xây dựng giải pháp) và Explore AWS (Khám phá AWS). Còn lại là năm tiện ích linh hoạt, cung cấp thông tin quan trọng về các dịch vụ AWS, chi phí và mức sử dụng AWS của bạn cũng như các biện pháp tốt nhất:

  • AWS Health (Trạng thái AWS): Thông tin về các sự kiện có thể ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng và tài khoản AWS của bạn
  • Cost and usage (Chi phí và mức sử dụng): Tổng quan về chi phí dịch vụ, trong đó nêu chi tiết từng dịch vụ AWS
  • Favorites (Yêu thích): Danh sách các dịch vụ AWS yêu thích của bạn
  • Recently visited (Truy cập gần đây): Danh sách các dịch vụ được truy cập gần đây nhất
  • Trusted Advisor: Các đề xuất để tuân theo biện pháp tốt nhất của AWS

Kết luận

Xin chúc mừng! Bạn đã hoàn thành hướng dẫn bắt đầu Bắt đầu sử dụng Bảng điều khiển quản lý AWS

Trong hướng dẫn này, bạn đã tìm hiểu về các phần khác nhau trong trang thông tin của Bảng điều khiển quản lý AWS cũng như cách sử dụng trang thông tin để truy cập vào các dịch vụ, thông tin tài khoản và thanh toán; tìm kiếm dịch vụ, tính năng, bài viết và hướng dẫn; và xem trang thông tin thanh toán của bạn.

Để tăng thêm trải nghiệm sử dụng bảng điều khiển, bạn nên tham khảo các hướng dẫn thực hành sau:

Ngoài ra, bạn có thể tiếp tục hành trình với AWS bằng cách làm theo phần các bước tiếp theo ở bên dưới.

Trang này có hữu ích không?


Các bước tiếp theo