Chuyển đổi kỹ thuật số là gì?

Chuyển đổi kỹ thuật số là quá trình mà một tổ chức áp dụng để tích hợp công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của một doanh nghiệp. Quy trình này thay đổi một cách căn bản cách một tổ chức mang lại giá trị cho khách hàng. Các công ty áp dụng các công nghệ kỹ thuật số sáng tạo để tạo ra những thay đổi về vận hành và văn hóa nhằm thích ứng tốt hơn với nhu cầu hay thay đổi của khách hàng. Sau đây là một số ví dụ về chuyển đổi kỹ thuật số:

  • Các công ty bắt đầu xây dựng giải pháp kỹ thuật số như ứng dụng di động hoặc nền tảng thương mại điện tử
  • Các công ty này di chuyển từ cơ sở hạ tầng máy tính tại chỗ sang điện toán đám mây
  • Họ áp dụng cảm biến thông minh để giảm chi phí vận hành

Tại sao chuyển đổi kỹ thuật số lại quan trọng?

Thuật ngữ "chuyển đổi kỹ thuật số" mô tả việc triển khai các công nghệ, tài năng và quy trình mới nhằm duy trì khả năng cạnh tranh trong bối cảnh công nghệ luôn thay đổi. Trong thời kỳ hậu đại dịch, một tổ chức cần có khả năng nhanh chóng thích ứng trước những thay đổi như: 

  • Áp lực về thời gian tiếp cận thị trường
  • Đột ngột đứt gãy chuỗi cung ứng
  • Kỳ vọng thay đổi nhanh chóng của khách hàng

Các công ty phải áp dụng các chiến lược chuyển đổi kỹ thuật số nếu họ muốn bắt kịp với các tiến bộ công nghệ.

Sau đây là một số lợi ích của sáng kiến chuyển đổi kỹ thuật số.

Cải thiện năng suất

Các công nghệ mới nổi như dịch vụ đám mây có thể giúp tiết kiệm thời gian và cải thiện mức độ hiệu quả trong mọi quy trình kinh doanh. Ví dụ: việc triển khai công nghệ kỹ thuật số như trí tuệ nhân tạo cho phép nhân viên thoải mái tập trung vào các công việc đòi hỏi tính sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề. Tương tự, tiến hành phân tích dữ liệu nhờ máy học có thể cung cấp thông tin chuyên sâu và giúp bạn đạt được mục tiêu kinh doanh nhanh chóng hơn.

Cải thiện trải nghiệm của khách hàng

Khách hàng trong thời kỳ hậu đại dịch mong chờ dịch vụ luôn liên tục sẵn sàng trên nhiều kênh khác nhau. Họ cũng muốn sử dụng các trang web cũng như các hệ thống liên lạc trên thiết bị di động một cách dễ dàng và thuận tiện. Sau đây là một số quy trình chuyển đổi kỹ thuật số có ảnh hưởng trực tiếp đến trải nghiệm của khách hàng:

  • Phát triển ứng dụng di động và luồng công việc trên di động
  • Theo dõi và thực hiện đơn hàng nhanh hơn nhờ áp dụng công nghệ cảm biến thông minh
  • Tương tác với khách hàng theo thời gian thực nhờ áp dụng trí tuệ nhân tạo
  • Cải thiện dịch vụ và hỗ trợ khách hàng nhờ áp dụng tự động hóa

Giảm chi phí vận hành

Đầu tư vào công nghệ kỹ thuật số có thể giúp giảm đáng kể chi phí vận hành liên tục. Công nghệ này có thể tối ưu hóa các quy trình kinh doanh hiện tại và giảm các chi phí như:

  • Bảo trì thiết bị
  • Hậu cần và chuyển phát
  • Phí tổn về năng lượng
  • Phí tổn về nguồn nhân lực
  • Phí tổn về hỗ trợ khách hàng

Thông thường, bạn có thể tiết kiệm chi phí bởi chuyển đổi kỹ thuật số có thể hỗ trợ thực hiện những điều sau:

  • Lược bỏ hoặc thay thế luồng công việc cụ thể cần tiêu tốn nhiều tài nguyên
  • Giảm phí tổn đối với cơ sở hạ tầng và thiết bị đắt đỏ thông qua các dịch vụ được quản lý và điện toán đám mây

Tự động hóa các tác vụ bằng cách kết hợp các cảm biến thông minh, thiết bị thông minh và máy học

Số hóa và chuyển đổi kỹ thuật số khác nhau ở đâu?

Số hóa là quá trình chuyển đổi các khía cạnh vật lý của quy trình kinh doanh và luồng công việc sang các khía cạnh kỹ thuật số. Việc thể hiện các yếu tố phi kỹ thuật số hoặc yếu tố vật lý dưới định dạng kỹ thuật số có nghĩa là hệ thống máy tính có thể sử dụng thông tin này.

Ví dụ: các biểu mẫu bằng giấy mà khách hàng điền vào sẽ được chuyển đổi sang các biểu mẫu kỹ thuật số được điền trực tuyến. Sau đó, có thể sử dụng dữ liệu kỹ thuật số này để phân tích và triển khai nghiệp vụ thông minh. Trong doanh nghiệp, các sáng kiến số hóa có thể bao gồm những dự án như:

  • Hiện đại hóa các hệ thống cũ
  • Tự động hóa các quy trình dựa trên giấy tờ hoặc quy trình thủ công hiện có
  • Chuyển hệ thống lên trực tuyến 

Tuy nhiên, chỉ riêng mỗi quá trình số hóa thì chưa phải là chuyển đổi. Số hóa là bước quan trọng đầu tiên trong hành trình chuyển đổi kỹ thuật số. Chuyển đổi kỹ thuật số có phạm vi rộng lớn hơn nhiều, tạo sự thay đổi văn hóa dễ nhận thấy nhất trong tổ chức. 

Chuyển đổi kỹ thuật số có những trụ cột nào?

Để mọi chiến lược chuyển đổi kỹ thuật số thật sự hiệu quả, chỉ mỗi việc áp dụng công nghệ mới thôi là chưa đủ. Nên thực hiện chuyển đổi trong mọi khía cạnh của tổ chức để có độ tác động tối đa. Chúng tôi đề xuất 6 trụ cột chính sau đây cho quá trình chuyển đổi kỹ thuật số.

Trải nghiệm của khách hàng

Đổi mới kinh doanh lấy khách hàng làm trung tâm là một trong những trụ cột chính thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số. Áp dụng công nghệ mới nổi sẽ cho kết quả tốt hơn chỉ sau khi đã khám phá hoàn toàn công nghệ đó trong bối cảnh hành trình, hành vi và kỳ vọng từ khách hàng của bạn.

Con người

Nhân viên sẽ cảm thấy được hỗ trợ thay vì bất an khi áp dụng công nghệ chuyển đổi. Mô hình kinh doanh kỹ thuật số mới chỉ có thể thành công khi được nhân viên của bạn toàn tâm đón nhận. Để có thể làm được điều này, hãy kết hợp đào tạo nhân viên, thu hút tài năng phù hợp và giữ lại nhân tài hiện có bằng cách tạo cơ hội phát triển cho họ.

Thay đổi

Nỗ lực chuyển đổi kỹ thuật số tạo ra thay đổi trên khắp mọi mặt của doanh nghiệp. Quan trọng là phải lập kế hoạch để tránh bối rối và cạn kiệt trước những thay đổi bất ngờ. Bạn phải cung cấp các công cụ và môi trường cần thiết để có thể chuyển đổi kỹ thuật số thành công.

Đổi mới

Chuyển đổi kỹ thuật số và đổi mới có quan hệ mật thiết nhưng không hề giống nhau. Đổi mới là quá trình tạo ra ý tưởng thúc đẩy chuyển đổi. Bạn cần tạo một không gian giao tiếp mở, hợp tác và tự do sáng tạo nhằm khuyến khích nhân viên thử nghiệm. Sau khi đã thử nghiệm ý tưởng, bạn có thể tiếp tục chuyển đổi kỹ thuật số để triển khai ý tưởng trên quy mô lớn.

Khả năng lãnh đạo

Nhà lãnh đạo doanh nghiệp nên có tinh thần chủ động và giữ được trật tự trong mọi quá trình chuyển đổi kỹ thuật số. Bạn phải có tư duy đón đầu, khám phá mọi công nghệ từ nhiều góc độ khác nhau và truyền cảm hứng cho những người khác thực hiện điều tương tự.

Văn hóa

Khi nhà lãnh đạo chuyển đổi kỹ thuật số triển khai năm trụ cột kể trên thì cũng là lúc văn hóa đổi mới xuất hiện. Với đội ngũ nhân viên nhiệt huyết nóng lòng muốn mang đến cho khách hàng trải nghiệm tốt nhất có thể, sáng kiến chuyển đổi kỹ thuật số sẽ nhanh chóng mở rộng và thành công.

Chuyển đổi kỹ thuật số có những loại nào?

Có bốn loại chuyển đổi kỹ thuật số chính mà mọi tổ chức đều có thể áp dụng:

  • Quy trình kinh doanh
  • Mô hình kinh doanh
  • Lĩnh vực kinh doanh
  • Tổ chức hoặc văn hóa

Hãy cùng chúng tôi khám phá sâu hơn về những loại hình này cùng một số ví dụ về chuyển đổi kỹ thuật số.

Quy trình kinh doanh

Chuyển đổi quy trình xem xét các cách thức sáng tạo nhằm cải thiện luồng công việc hiện có trong nội bộ và bên ngoài. Công nghệ mới thường thay đổi và cải thiện các quy trình một cách triệt để nhằm thu về kết quả kinh doanh tốt hơn.

Ví dụ: Origin Energy Ltd (Origin) là một trong những công ty năng lượng tích hợp hàng đầu tại Úc. Origin đã hỗ trợ khách hàng tự phục vụ trong khâu quản lý tiện ích và hóa đơn năng lượng bằng cách chuyển sang các dịch vụ của AWS. Công ty này đã chuyển đổi toàn diện các quy trình kỹ thuật số cho khách hàng của họ sử dụng với những lợi ích sau:

  • Tài nguyên điện toán đám mây để giải quyết nhu cầu đỉnh điểm
  • Giảm 30% thời gian xử lý hóa đơn
  • Dung lượng lưu trữ đám mây hiệu suất cao để giải quyết nhiều hoạt động tương tác với khách hàng qua trang web và ứng dụng 

Những nỗ lực chuyển đổi kỹ thuật số này đã giúp giảm chi phí vận hành và khối lượng công việc của tổng đài, đồng thời cải thiện mức độ hài lòng của khách hàng.

Mô hình kinh doanh

Chuyển đổi mô hình xem xét việc đổi mới mô hình kinh doanh hiện có bằng công nghệ tiên tiến. Mục tiêu là cung cấp các dịch vụ kinh doanh cốt lõi bằng những cách thức mới hoặc thông qua các kênh khác nhau nhằm thúc đẩy tăng trưởng doanh thu và tiếp cận khách hàng.

Ví dụ: Tourism Union International (TUI) là một trong những công ty lữ hành và du lịch lớn nhất thế giới. TUI sở hữu và điều hành nhiều đại lý lữ hành, khách sạn, hãng hàng không, tàu du lịch và cửa hàng bán lẻ. Trong thời gian đại dịch hoành hành, TUI đã phải tự đổi mới để đương đầu với hàng loạt yêu cầu hủy và thích ứng với bối cảnh ngành lữ hành thay đổi. Công ty này đã tạo ra những mô hình kinh doanh mới, tập trung vào việc đưa du khách bị mắc kẹt trở về quê hương, đồng thời cắt giảm 70% chi phí vận hành CNTT nội bộ.

Lĩnh vực kinh doanh

Có thể tiến hành chuyển đổi lĩnh vực khi doanh nghiệp nắm bắt thành công một phân khúc hoặc lĩnh vực mới trên thị trường. Bạn có thể thực hiện được điều này bằng cách tập trung vào những dự án chuyển đổi kỹ thuật số có khả năng mở rộng dịch vụ thay vì chỉ cải thiện các dịch vụ hiện có.

Ví dụ: Amazon ban đầu là một nền tảng thương mại điện tử bán lẻ. Sau đó, chúng tôi đã bổ sung nền tảng phát trực tiếp của mình, Amazon Prime, cũng như dấn thân vào ngành dịch vụ đám mây. Ngày nay, Amazon Web Services (AWS) là dịch vụ điện toán đám mây và cơ sở hạ tầng lớn nhất trên thế giới. Chúng tôi đã áp dụng chuyển đổi kinh doanh để tạo nên vị thế cho chính mình trong hai lĩnh vực hoàn toàn mới.

Tổ chức

Chuyển đổi tổ chức xem xét việc đổi mới hoàn toàn tổ chức hoặc văn hóa nội bộ để tập trung vào việc cung cấp giá trị cao nhất đến cho khách hàng. Đây chính là cách tốt nhất để vươn lên dẫn đầu trong môi trường cạnh tranh và đáp ứng mục tiêu kinh doanh nhanh chóng hơn. 

Ví dụ: Thomson Reuters là nhà cung cấp dịch vụ thông tin kinh doanh hàng đầu. Công ty này đã quyết định tách dữ liệu tài chính và kinh doanh thương mại thành một thực thể riêng tên là Refinitiv. Trong quá trình này, công ty đã di chuyển hàng trăm ứng dụng cho khách hàng sử dụng sang Đám mây điện toán linh hoạt của Amazon (Amazon EC2), cải tiến toàn diện các hệ thống cũ. Bằng cách thay đổi phương pháp làm việc của các đội ngũ CNTT nội bộ, công ty này đã đạt được mục tiêu với khung thời gian ngắn hơn.

Chuyển đổi kỹ thuật số có những giai đoạn khác nhau nào?

Mỗi công ty mỗi khác và không có lộ trình chuyển đổi rõ ràng nào. Chúng tôi đề xuất hướng dẫn gồm sáu giai đoạn sau đây. 

Giai đoạn 1 – Hiện trạng

Trong giai đoạn đầu, doanh nghiệp tiếp tục vận hành như thường và duy trì hiện trạng mà không để tâm đến những yêu cầu thay đổi của khách hàng và các cải tiến công nghệ. Mọi tổ chức đều có thể trở nên lỗi thời nếu thiếu sáng kiến kỹ thuật số. Điều quan trọng là phải chuyển sang giai đoạn tiếp theo sớm nhất có thể.

Giai đoạn 2 – Chủ động

Trong giai đoạn thứ hai, doanh nghiệp dần nhận thức rõ hơn về tính cấp thiết của việc tối ưu hóa kỹ thuật số. Doanh nghiệp nhận thấy những thách thức hiện tại và nhu cầu cần có một sáng kiến chuyển đổi kỹ thuật số. Các bộ phận khác nhau bắt đầu thử giải quyết cùng một vấn đề bằng nhiều cách khác nhau. Giai đoạn này tiến bộ hơn so với giai đoạn trước đó, thế nhưng lại để lộ ra sự thiếu tập trung và tính thống nhất. Tổ chức cần phải tìm cách thoát khỏi tình trạng rối loạn ban đầu này nếu muốn chuyển đổi kỹ thuật số thành công.  

Giai đoạn 3 – Chủ đích

Chuyển đổi kỹ thuật số bắt đầu khi doanh nghiệp bước sang giai đoạn có chủ đích. Các nhà lãnh đạo kỹ thuật số chủ chốt và các nhân viên chuyển đổi dần xuất hiện, bắt đầu kiểm thử các công nghệ mới. Họ mong muốn có được sự phê duyệt chính thức từ lãnh đạo công ty để có thể dẫn dắt cuộc cải cách này. Văn hóa kinh doanh có thể là rào cản tại thời điểm này và người lãnh đạo cần phải chủ động khuyến khích văn hóa đổi mới để chuyển đổi hơn nữa.

Giai đoạn 4 – Chiến lược

Trong giai đoạn thứ tư, tổ chức sẽ đạt được những thay đổi văn hóa, do đó những nhóm cá nhân và các bộ phận đồng ý hợp tác làm việc. Các bên liên quan chính tạo một lộ trình chiến lược tập trung hướng đến chuyển đổi kỹ thuật số thành công. Họ lập kế hoạch về các khía cạnh thay đổi khác nhau, chẳng hạn như quyền sở hữu, nghiên cứu, công sức và đầu tư.

Giai đoạn 5 – Định hướng mục tiêu

Trong giai đoạn thứ năm, doanh nghiệp bắt đầu tiến hành triển khai chiến lược chuyển đổi kỹ thuật số đã vạch ra ở giai đoạn trước đó. Doanh nghiệp có một đội ngũ liên bộ phận gồm các cá nhân đổi mới có thể xác định mục tiêu cần hoàn thành ở hiện tại và trong những tháng tiếp theo nhằm chuyển đổi kỹ thuật số thành công. Các dự án, cơ sở hạ tầng và sáng kiến kỹ thuật số mới dần thành hình.

Giai đoạn 6 – Thích nghi

Doanh nghiệp đến được giai đoạn này sẽ có một khung chuyển đổi kỹ thuật số, giúp giải quyết mọi yêu cầu của khách hàng trong tương lai. Khung này trở thành một mô hình quen thuộc và doanh nghiệp dễ dàng theo đuổi các lộ trình công nghệ đổi mới. Các dự án chuyển đổi kỹ thuật số là bình thường mới trong tổ chức ở giai đoạn thứ sáu.

Chiến lược chuyển đổi kỹ thuật số là gì?

Chiến lược chuyển đổi kỹ thuật số là một kế hoạch triển khai chuyển đổi kỹ thuật số ngắn hạn và dài hạn chi tiết trong bất cứ tổ chức nào. Chiến lược này tính đến các thành phần sau:

  • Các lãnh đạo khởi xướng và thúc đẩy chuyển đổi
  • Đầu tư và lập kế hoạch tài chính
  • Các chỉ số đo lường hiệu suất công việc chính (KPI) để tính toán tỷ suất hoàn vốn (ROI)
  • Các công cụ và quy trình hỗ trợ chuyển đổi
  • Các tài nguyên bên ngoài và chuyên gia của bên thứ ba
  • Tác động của quá trình chuyển đổi đối với khách hàng và nhân viên

Dưới đây, chúng tôi đề ra bốn bước để phát triển thành công chiến lược chuyển đổi kỹ thuật số.

Điều chỉnh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số phù hợp theo mục tiêu kinh doanh của bạn

Việc lên kế hoạch cho dự án chuyển đổi kỹ thuật số nên xoay quanh các kế hoạch tổng thể của tổ chức bạn chứ không phải tập trung vào một công nghệ cụ thể. Các lĩnh vực tập trung chính của bạn cũng sẽ giúp xác định KPI, duy trì khả năng đo lường chuyển đổi và tăng hiệu quả đầu tư.

Phát triển bằng chứng về khái niệm

Sáng kiến khởi đầu hoàn hảo nhất có thể cho thấy kết quả đo lường được trong vòng sáu tháng. Tốt hơn nên phát triển các chiến lược ban đầu thể hiện được ROI và thuyết phục được lãnh đạo. Sau đó, bạn có thể dần chỉnh sửa và thay đổi quy mô của nguyên mẫu ở giai đoạn đầu này trên toàn tổ chức.

Vạch ra quá trình triển khai công nghệ

Chuyển đổi kỹ thuật số bao gồm một số công cụ mà bạn có thể sử dụng để mang đến thay đổi cho tổ chức của mình. Sau đây là một số công nghệ đó:

  • Công nghệ di động, chẳng hạn như các ứng dụng cho khách hàng sử dụng và ứng dụng nội bộ giúp cải thiện năng suất

Việc áp dụng các công nghệ này có thể tạo ra sự thay đổi lớn trong cách nhân viên làm việc và cách khách hàng tương tác với tổ chức của bạn. Có thể bạn cũng sẽ cần các đối tác và chuyên gia bên ngoài hỗ trợ đào tạo đội ngũ của mình và cải thiện khả năng của tổ chức. Bạn sẽ cần vạch ra quá trình này một cách cẩn thận như một phần trong chiến lược chuyển đổi kỹ thuật số của mình.

Thu thập phản hồi và tinh chỉnh chiến lược chuyển đổi kỹ thuật số

Việc đưa vòng lặp phản hồi vững chắc vào trong bản kế hoạch dự án chuyển đổi kỹ thuật số đóng vai trò rất quan trọng. Bằng cách thu thập phản hồi thường xuyên từ các bên liên quan, bạn có thể đảm bảo rằng mọi người sẽ học hỏi từ kinh nghiệm và phát triển một cách linh hoạt. Chuyển đổi kỹ thuật số là một hành trình, do đó việc đưa các điểm kiểm tra vào khung thời gian sẽ cho phép bạn linh hoạt chỉnh sửa khi cần.

Nghiên cứu điển hình về chuyển đổi kỹ thuật số

Đại học Saint Louis (SLU) bắt đầu chuyến hành trình kỹ thuật số với nỗ lực cải thiện năng suất của sinh viên và tương tác trong học khu, cũng chính là mục tiêu kinh doanh cốt lõi của họ.

  1. Sau khi xem xét quy trình tương tác với sinh viên, các nhà lãnh đạo chuyển đổi nhận thấy rằng sinh viên muốn nhận được phản hồi nhanh hơn cho các câu hỏi về việc học tập tại SLU.
  2. Họ đã quyết định xây dựng nguyên mẫu các thiết bị Amazon Echo bằng cách đưa 2.300 thiết bị vào trong hội trường ký túc xá, hay chỗ ở trong học khu. Sinh viên có thể đưa ra câu hỏi về SLU cho thiết bị này và sẽ nhận được phản hồi.
  3. Trong thời gian dùng thử, thiết bị này có rất nhiều công dụng và quá trình phân tích tương tác của sinh viên cho biết rằng họ đã dùng thiết bị để thiết lập thông báo nhắc nhở và để hỏi các câu hỏi kiến thức chung.
  4. SLU cộng tác với AWS Professional Services nhằm mở rộng hơn nữa quy mô của ý tưởng chuyển đổi kỹ thuật số này. Trường đã sử dụng thông tin mà các nhà lãnh đạo thu được từ những lần dùng thử trước đó để xây dựng một nền tảng chatbot thông minh có quy mô toàn diện. Sinh viên giờ đây có thể tương tác với chatbot thông qua trang web của SLU, tin nhắn văn bản hoặc Amazon Echo và vẫn nhận được phản hồi nhất quán.

SLU đã quyết định chuyển đổi hơn nữa. Giai đoạn tiếp theo của dự án chuyển đổi kỹ thuật số là tùy chỉnh chatbot, giúp sinh viên có thể hỏi những câu cá nhân như “Ngày nào tôi thi môn lịch sử?”, hoặc nhân viên có thể hỏi “Tôi còn bao nhiêu ngày phép?”

Khung chuyển đổi kỹ thuật số là gì?

Khung chuyển đổi kỹ thuật số là một kế hoạch chi tiết để quản lý thay đổi trong mọi tổ chức đang tiến hành chuyển đổi kỹ thuật số. Khung này là công cụ hướng dẫn tất cả các cấp và bộ phận trong tổ chức trong quá trình thay đổi.

Khung sẽ hỗ trợ chuyển đổi kỹ thuật số bằng cách vạch ra các phương pháp và quy trình tốt nhất để thực hiện những việc sau: 

  • Phân tích tác động của sự thay đổi trên mọi mảng của doanh nghiệp
  • Quản lý thay đổi một cách hiệu quả và với hiệu suất cao
  • Vạch ra các bước để triển khai chuyển đổi
  • Xác định số liệu để đo lường lợi ích từ sự thay đổi
  • Làm rõ cách tiến tới hành trình chuyển đổi kỹ thuật số của bạn

AWS Professional Services là gì?

AWS Professional Services là một đội ngũ gồm các chuyên gia trên toàn cầu, có thể hỗ trợ bạn hiện thực hóa hành trình chuyển đổi kỹ thuật số khi sử dụng Đám mây AWS. Chúng tôi phối hợp với đội ngũ của bạn và thành viên bạn chọn từ Mạng lưới đối tác AWS (APN) để thực hiện các sáng kiến điện toán đám mây của doanh nghiệp bạn.

AWS Professional Services cung cấp một loạt các hoạt động, tài liệu và phương pháp tốt nhất cho mọi bước đi trong hành trình chuyển đổi kỹ thuật số áp dụng đám mây của bạn. Chưa hết, các phương pháp chuyên môn của chúng tôi cung cấp hướng dẫn hướng đến mục tiêu thông qua các khung, công cụ, dịch vụ và phương pháp tốt nhất nhằm hỗ trợ các dự án chuyển đổi kỹ thuật số liên quan đến Đám mây AWS.

AWS Professional Services đã tạo ra Khung tiếp nhận đám mây AWS để hỗ trợ các tổ chức phát triển và triển khai kế hoạch dành cho hành trình áp dụng đám mây được hiệu quả và có hiệu suất cao. Hướng dẫn và biện pháp thực hành tốt nhất được khung này đưa ra sẽ giúp bạn xây dựng một phương pháp tiếp cận toàn diện với điện toán đám mây trong toàn tổ chức và trong suốt vòng đời của hệ thống CNTT.

Bắt đầu chuyển đổi kỹ thuật số bằng cách sử dụng danh sách kiểm tra chuyển đổi kỹ thuật số của AWS và công cụ sẵn sàng áp dụng đám mây. Tạo một tài khoản AWS để bắt đầu hành trình chuyển đổi kỹ thuật số của bạn ngay hôm nay.

Các bước tiếp theo trên AWS

Tham khảo các tài nguyên bổ sung liên quan đến sản phẩm
Tìm hiểu thêm về AWS dành cho Dữ liệu 
Đăng ký tài khoản miễn phí

Nhận ngay quyền sử dụng bậc miễn phí của AWS. 

Đăng ký 
Bắt đầu xây dựng trong bảng điều khiển

Bắt đầu xây dựng trong AWS Management Console.

Đăng nhập