Công nghệ chuỗi khối là gì?

Công nghệ Blockchain là một cơ chế cơ sở dữ liệu tiên tiến cho phép chia sẻ thông tin minh bạch trong một mạng lưới kinh doanh. Cơ sở dữ liệu chuỗi khối lưu trữ dữ liệu trong các khối được liên kết với nhau trong một chuỗi. Dữ liệu có sự nhất quán theo trình tự thời gian vì bạn không thể xóa hoặc sửa đổi chuỗi mà không có sự đồng thuận từ mạng lưới. Do đó, bạn có thể sử dụng công nghệ chuỗi khối để tạo một sổ cái không thể chỉnh sửa hay biến đổi để theo dõi các đơn đặt hàng, khoản thanh toán, tài khoản và những giao dịch khác. Hệ thống có những cơ chế tích hợp để ngăn chặn các mục nhập giao dịch trái phép và tạo ra sự nhất quán trong chế độ xem chung của các giao dịch này.

Tại sao chuỗi khối lại quan trọng?

Các công nghệ cơ sở dữ liệu truyền thống đặt ra nhiều thách thức trong việc ghi lại các giao dịch tài chính. Chẳng hạn như hãy xét trường hợp bán một tài sản. Sau khi đã giao tiền, quyền sở hữu tài sản được chuyển cho người mua. Cả người mua và người bán đều có thể từng người ghi lại các giao dịch tiền tệ, nhưng không nguồn nào là đáng tin cậy. Người bán có thể dễ dàng khẳng định rằng họ chưa nhận được tiền ngay cả khi họ đã nhận được và người mua cũng có thể phản bác rằng họ đã chuyển tiền ngay cả khi họ chưa thanh toán.

Để tránh các vấn đề pháp lý có thể xảy ra, cần phải có một bên thứ ba đáng tin cậy để giám sát và xác thực các giao dịch. Sự hiện diện của cơ quan trung tâm này không chỉ làm giao dịch phức tạp thêm mà còn tạo ra một lỗ hổng. Nếu cơ sở dữ liệu trung tâm bị xâm phạm, cả hai bên đều có thể chịu thiệt hại.

Chuỗi khối giảm thiểu những vấn đề như vậy bằng cách tạo ra một hệ thống chống làm giả, phi tập trung để ghi lại các giao dịch. Trong trường hợp giao dịch tài sản, người mua và người bán đều được chuỗi khối tạo cho một sổ cái riêng. Tất cả các giao dịch phải được cả hai bên chấp thuận và được cập nhật tự động vào sổ cái của cả hai trong thời gian thực. Các giao dịch trước đây có bất cứ sai sót nào cũng sẽ làm toàn bộ sổ cái sai lệch theo. Những đặc tính đó của công nghệ chuỗi khối đã dẫn đến việc công nghệ này được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả việc tạo ra tiền kỹ thuật số như Bitcoin.

Các ngành khác nhau sử dụng chuỗi khối như thế nào?

Chuỗi khối là một công nghệ mới nổi đang được các ngành khác nhau áp dụng theo cách thức sáng tạo. Dưới đây, chúng tôi sẽ mô tả một số trường hợp sử dụng trong các ngành khác nhau:

Năng lượng

Các công ty năng lượng sử dụng công nghệ chuỗi khối để tạo ra các nền tảng giao dịch năng lượng ngang hàng và hợp lý hóa việc tiếp cận năng lượng tái tạo. Chẳng hạn, hãy xem xét những trường hợp sử dụng sau:

  • Các công ty năng lượng dựa trên chuỗi khối đã tạo ra một nền tảng giao dịch để các cá nhân mua bán điện. Chủ nhà có các tấm pin mặt trời sử dụng nền tảng này để bán năng lượng mặt trời dư thừa của họ cho những người hàng xóm. Quá trình này phần lớn là được tự động hóa: đồng hồ đo thông minh tạo ra các giao dịch và chuỗi khối ghi lại những giao dịch này.
  • Với các sáng kiến huy động vốn cộng đồng dựa trên chuỗi khối, người dùng có thể tài trợ và sở hữu các tấm pin mặt trời trong những cộng đồng không có khả năng tiếp cận nguồn năng lượng. Các nhà tài trợ cũng có thể nhận được tiền thuê từ các cộng đồng này sau khi đã xây dựng các tấm pin mặt trời.

Tài chính

Các hệ thống tài chính truyền thống, như ngân hàng và sàn giao dịch chứng khoán, sử dụng các dịch vụ chuỗi khối để quản lý các khoản thanh toán trực tuyến, tài khoản và giao dịch thị trường. Ví dụ: Singapore Exchange Limited, một tổng công ty về đầu tư cung cấp các dịch vụ giao dịch tài chính trên khắp châu Á, sử dụng công nghệ chuỗi khối để xây dựng một tài khoản thanh toán liên ngân hàng hiệu quả hơn. Bằng cách áp dụng chuỗi khối, họ đã giải quyết được nhiều thách thức, bao gồm xử lý hàng loạt và đối soát thủ công hàng nghìn giao dịch tài chính.

Truyền thông và giải trí

Các công ty trong lĩnh vực truyền thông và giải trí sử dụng hệ thống chuỗi khối để quản lý dữ liệu bản quyền. Xác minh bản quyền là rất quan trọng để các nghệ sĩ nhận được thù lao công bằng. Cần nhiều giao dịch để ghi lại việc bán hoặc chuyển giao nội dung bản quyền. Sony Music Entertainment Japan sử dụng các dịch vụ chuỗi khối để quản lý quyền kỹ thuật số hiệu quả hơn. Họ đã sử dụng thành công chiến lược chuỗi khối để cải thiện năng suất và giảm chi phí xử lý bản quyền.

Bán lẻ

Các công ty bán lẻ sử dụng chuỗi khối để theo dõi sự lưu động của hàng hóa giữa nhà cung cấp và người mua. Ví dụ: công ty bán lẻ Amazon đã nộp bằng sáng chế cho một hệ thống công nghệ sổ cái phân tán sẽ sử dụng công nghệ chuỗi khối để xác minh rằng tất cả hàng hóa được bán trên nền tảng đều đáng tin cậy. Người bán trên Amazon có thể lập bản đồ chuỗi cung ứng toàn cầu của họ bằng cách cho phép những người tham gia như nhà sản xuất, người giao hàng, nhà phân phối, người dùng cuối và người dùng thứ cấp thêm sự kiện vào sổ cái sau khi đăng ký với cơ quan cấp chứng nhận. 

Công nghệ chuỗi khối có những đặc điểm gì?

Công nghệ chuỗi khối có các đặc điểm chính sau:

Phi tập trung

Phi tập trung trong chuỗi khối là chỉ việc chuyển quyền kiểm soát và ra quyết định từ một thực thể tập trung (cá nhân, tổ chức hoặc nhóm) sang một mạng lưới phân tán. Các mạng lưới chuỗi khối phi tập trung sử dụng tính minh bạch để giảm nhu cầu phải có sự tin tưởng giữa những người tham gia. Các mạng lưới này cũng ngăn cản những người tham gia sử dụng quyền hạn hoặc quyền kiểm soát lên lẫn nhau theo những cách làm suy yếu chức năng của mạng lưới.

Bất biến

Bất biến có nghĩa là một cái gì đó không thể thay đổi hay biến đổi được. Không người tham gia nào có thể làm giả giao dịch sau khi ai đó đã ghi lại giao dịch này vào sổ cái được chia sẻ. Nếu bản ghi giao dịch có lỗi, bạn phải thêm giao dịch mới để bù trừ cho lỗi và cả hai giao dịch đều được hiển thị trong mạng lưới.

Đồng thuận

Một hệ thống chuỗi khối thiết lập các quy tắc về sự đồng thuận của người tham gia cho phép ghi lại các giao dịch. Bạn chỉ có thể ghi lại các giao dịch mới khi đa số người tham gia mạng lưới đồng thuận.

Các thành phần chính của công nghệ chuỗi khối là gì?

Kiến trúc chuỗi khối có các thành phần chính sau:

Sổ cái phân tán

Sổ cái phân tán là cơ sở dữ liệu dùng chung trong mạng lưới chuỗi khối lưu trữ các giao dịch, chẳng hạn như một tệp dùng chung mà mọi người trong nhóm có thể chỉnh sửa. Trong hầu hết các trình chỉnh sửa văn bản dùng chung, bất kỳ ai có quyền chỉnh sửa đều có thể xóa toàn bộ tệp. Tuy nhiên, công nghệ sổ cái phân tán có các quy tắc nghiêm ngặt về người có thể chỉnh sửa và cách chỉnh sửa. Bạn không thể xóa các mục nhập sau khi chúng đã được ghi lại.

Hợp đồng thông minh

Các công ty sử dụng hợp đồng thông minh để tự quản lý các hợp đồng kinh doanh mà không cần bên thứ ba hỗ trợ. Đây là các chương trình được lưu trữ trên hệ thống chuỗi khối tự động chạy khi đáp ứng các điều kiện đã định sẵn. Chúng chạy kiểm tra điều kiện nếu-thì để các giao dịch có thể được hoàn thành một cách đáng tin cậy. Ví dụ: một công ty kho vận có thể thiết lập một hợp đồng thông minh tự động thanh toán khi hàng hóa đến cảng.

Mật mã hóa khóa công khai

Mật mã hóa khóa công khai là một tính năng bảo mật để xác định những người tham gia duy nhất trong mạng lưới chuỗi khối. Cơ chế này tạo ra hai bộ mã khóa cho các thành viên trong mạng lưới. Một mã khóa là mã khóa công khai cho mọi người trong mạng lưới dùng chung. Mã khóa còn lại là mã khóa riêng tư duy nhất của mỗi thành viên. Mã khóa riêng tư và công khai hoạt động cùng nhau để mở khóa dữ liệu trong sổ cái. 

Ví dụ: John và Jill là hai thành viên trong mạng lưới. John ghi lại một giao dịch được mã hóa bằng mã khóa riêng tư của anh ấy. Jill có thể giải mã giao dịch này bằng mã khóa công khai của cô ấy. Bằng cách này, Jill tin chắc rằng John đã thực hiện giao dịch. Mã khóa công khai của Jill sẽ không hoạt động nếu mã khóa riêng tư của John bị làm giả.

Chuỗi khối hoạt động như thế nào?

Trong khi các cơ chế chuỗi khối cơ bản rất phức tạp, chúng tôi sẽ trình bày tổng quan ngắn gọn trong các bước sau. Phần mềm chuỗi khối có thể tự động hóa hầu hết các bước sau:

Bước 1 – Ghi lại giao dịch

Một giao dịch chuỗi khối cho thấy sự lưu động của các tài sản vật lý hoặc kỹ thuật số từ bên này đến bên khác trong mạng lưới chuỗi khối. Giao dịch được ghi lại dưới dạng một khối dữ liệu và có thể bao gồm các thông tin chi tiết như sau:

  • Giao dịch gồm những ai tham gia?
  • Điều gì đã xảy ra trong quá trình giao dịch?
  • Giao dịch xảy ra khi nào?
  • Giao dịch xảy ra ở đâu?
  • Giao dịch xảy ra vì lý do gì?
  • Phần tài sản được trao đổi là bao nhiêu?
  • Có bao nhiêu điều kiện tiên quyết đã được đáp ứng trong quá trình giao dịch?

Bước 2 – Đạt được sự đồng thuận

Hầu hết những người tham gia trên mạng lưới chuỗi khối phân tán phải đồng ý rằng giao dịch được ghi lại là hợp lệ. Tùy thuộc vào loại mạng lưới, các quy tắc thỏa thuận có thể khác nhau nhưng thường được thiết lập khi bắt đầu mạng lưới.

Bước 3 – Liên kết các khối

Khi những người tham gia đã đạt được sự đồng thuận, các giao dịch trên chuỗi khối sẽ được viết vào khối, tương đương với trang giấy trong một cuốn sổ cái. Cùng với các giao dịch, một hàm băm mật mã cũng được thêm vào khối mới. Hàm băm đóng vai trò như một chuỗi liên kết các khối với nhau. Nếu nội dung của khối bị cố ý hoặc vô ý sửa đổi, giá trị băm sẽ thay đổi, mang đến một cách thức để phát hiện dữ liệu bị làm giả. 

Do đó, các khối và chuỗi được liên kết an toàn và bạn không thể chỉnh sửa chúng. Mỗi khối được thêm lại tăng cường cho quá trình xác minh khối trước đó và do đó tăng cường cho toàn bộ chuỗi khối. Điều này giống như xếp chồng các khối gỗ để tạo thành một tòa tháp. Bạn chỉ có thể xếp khối lên trên, và nếu bạn rút một khối ở giữa tháp thì cả tháp sẽ đổ sụp.

Bước 4 – Chia sẻ sổ cái

Hệ thống phân phối bản sao mới nhất của sổ cái trung tâm cho toàn bộ người tham gia.

Có những loại mạng lưới chuỗi khối nào?

Có 4 loại mạng lưới phi tập trung hoặc phân tán chính trong chuỗi khối:

Mạng lưới chuỗi khối công khai

Các chuỗi khối công khai không yêu cầu quyền và mọi người đều được phép tham gia. Tất cả các thành viên của chuỗi khối này đều có quyền đọc, chỉnh sửa và xác thực chuỗi khối như nhau. Mọi người chủ yếu sử dụng các chuỗi khối công khai để trao đổi và đào các loại tiền điện tử như Bitcoin, Ethereum và Litecoin. 

Mạng lưới chuỗi khối riêng tư

Một tổ chức duy nhất sẽ kiểm soát các chuỗi khối riêng tư, còn gọi là các chuỗi khối được quản lý. Cơ quan này xác định ai có thể là thành viên và họ có những quyền gì trong mạng lưới. Các chuỗi khối riêng tư chỉ phi tập trung một phần vì những chuỗi khối này có các hạn chế về quyền truy cập. Ripple, một mạng lưới trao đổi tiền kỹ thuật số dành cho các doanh nghiệp, là một ví dụ về chuỗi khối riêng tư.

Mạng lưới chuỗi khối hỗn hợp

Các chuỗi khối hỗn hợp kết hợp các yếu tố từ cả mạng lưới riêng tư và mạng lưới công khai. Các công ty có thể thiết lập những hệ thống riêng tư, dựa trên quyền hạn bên cạnh một hệ thống công khai. Bằng cách này, họ kiểm soát quyền truy cập vào dữ liệu cụ thể được lưu trữ trong chuỗi khối trong khi vẫn công khai những dữ liệu còn lại. Họ sử dụng các hợp đồng thông minh để các thành viên công cộng có thể kiểm tra xem những giao dịch riêng tư đã được hoàn thành hay chưa. Ví dụ: các chuỗi khối hỗn hợp có thể cấp quyền truy cập công khai vào tiền kỹ thuật số trong khi giữ đồng tiền thuộc sở hữu của ngân hàng ở chế độ riêng tư.

Các mạng lưới chuỗi khối liên hợp

Một nhóm các tổ chức quản lý các mạng lưới chuỗi khối liên hợp. Các tổ chức được chọn từ trước chia sẻ trách nhiệm duy trì chuỗi khối và quyết định về quyền truy cập dữ liệu. Các ngành trong đó nhiều tổ chức có cùng mục tiêu và hưởng lợi từ trách nhiệm chung thường thích dùng mạng lưới chuỗi khối liên hợp. Ví dụ: Global Shipping Business Network Consortium là một liên hợp chuỗi khối phi lợi nhuận nhằm mục đích số hóa ngành vận tải biển và tăng cường sự hợp tác giữa các đơn vị khai thác ngành hàng hải.

Các giao thức chuỗi khối là gì?

Thuật ngữ giao thức chuỗi khối là chỉ các loại nền tảng chuỗi khối khác nhau dành cho phát triển ứng dụng. Mỗi giao thức chuỗi khối điều chỉnh các nguyên tắc chuỗi khối cơ bản để phù hợp với ngành hoặc ứng dụng cụ thể. Dưới đây là một số ví dụ về các giao thức chuỗi khối:

Hyperledger Fabric

Hyperledger Fabric là một dự án nguồn mở với một bộ công cụ và thư viện. Các doanh nghiệp có thể sử dụng giao thức này để xây dựng các ứng dụng chuỗi khối riêng một cách nhanh chóng và hiệu quả. Đây là một khung mô-đun đa dụng cung cấp các tính năng quản lý danh tính và kiểm soát truy cập độc nhất. Những tính năng này khiến giao thức phù hợp với nhiều ứng dụng khác nhau, chẳng hạn như theo dõi và truy ngược chuỗi cung ứng, tài chính thương mại, chương trình khách hàng thân thiết và phần thưởng cũng như thanh toán bù trừ các tài sản tài chính.

Ethereum

Ethereum là một nền tảng chuỗi khối nguồn mở, phi tập trung mà mọi người có thể sử dụng để xây dựng các ứng dụng chuỗi khối công khai. Ethereum Enterprise được thiết kế cho các trường hợp sử dụng trong kinh doanh.

Corda

Corda là một dự án chuỗi khối nguồn mở được thiết kế dành cho doanh nghiệp. Với Corda, bạn có thể xây dựng các mạng lưới chuỗi khối có khả năng tương tác, thực hiện hoạt động kinh doanh trong môi trường bảo mật nghiêm ngặt. Các doanh nghiệp có thể sử dụng công nghệ hợp đồng thông minh của Corda để thực hiện hoạt động kinh doanh trực tiếp, mang lại giá trị. Hầu hết người dùng của Corda là các tổ chức tài chính.

Quorum

Quorum là một giao thức chuỗi khối nguồn mở phát triển từ Ethereum. Giao thức này được thiết kế đặc biệt để sử dụng trong mạng lưới chuỗi khối riêng tư, nơi chỉ một thành viên duy nhất sở hữu tất cả các nút hoặc trong một mạng lưới chuỗi khối liên hợp, nơi nhiều thành viên sở hữu riêng một phần của mạng lưới.

Công nghệ chuỗi khối đã phát triển như thế nào?

Công nghệ chuỗi khối bắt nguồn từ cuối những năm 1970, khi một nhà khoa học máy tính tên là Ralph Merkle được cấp bằng sáng chế cho cây Băm hay cây Merkle. Những cây này là một cấu trúc khoa học máy tính để lưu trữ dữ liệu bằng cách liên kết các khối có sử dụng mật mã. Vào cuối những năm 1990, Stuart Haber và W. Scott Stornetta đã sử dụng cây Merkle để triển khai một hệ thống trong đó dấu thời gian của tài liệu không thể bị làm giả. Đây là trường hợp chuỗi khối xuất hiện đầu tiên trong lịch sử.

Công nghệ này đã tiếp tục phát triển qua 3 thế hệ sau:

Thế hệ đầu tiên – Bitcoin và các loại tiền ảo khác

Vào năm 2008, một cá nhân hoặc một nhóm cá nhân ẩn danh chỉ được biết đến với cái tên Satoshi Nakamoto đã dựng lên “bộ khung” cho công nghệ chuỗi khối ở hình thái hiện đại. Ý tưởng của Satoshi về chuỗi khối Bitcoin đã sử dụng khối thông tin 1 MB cho các giao dịch Bitcoin. Nhiều tính năng của hệ thống chuỗi khối Bitcoin vẫn đóng vai trò then chốt trong công nghệ chuỗi khối cho đến ngày nay.

Thế hệ thứ hai – hợp đồng thông minh

Một vài năm sau khi những đồng tiền thế hệ đầu tiên xuất hiện, các nhà phát triển bắt đầu xem xét về các ứng dụng chuỗi khối ngoài tiền điện tử. Ví dụ: những người phát minh ra Ethereum đã quyết định sử dụng công nghệ chuỗi khối trong các giao dịch chuyển nhượng tài sản. Đóng góp đáng kể của họ là tính năng hợp đồng thông minh.

Thế hệ thứ ba – tương lai

Khi các công ty khám phá và triển khai các ứng dụng mới, công nghệ chuỗi khối vẫn tiếp tục cải tiến và phát triển. Các công ty đang giải quyết những hạn chế về quy mô cũng như điện toán và trong cuộc cách mạng chuỗi khối đang diễn ra này, tồn tại vô vàn cơ hội.

Công nghệ chuỗi khối mang lại những lợi ích gì?

Công nghệ chuỗi khối mang lại nhiều lợi ích cho việc quản lý giao dịch tài sản. Dưới đây, chúng tôi liệt kê một vài lợi ích trong số đó:

Bảo mật nâng cao

Hệ thống chuỗi khối cung cấp mức độ bảo mật và sự tin cậy cao mà các giao dịch kỹ thuật số hiện đại yêu cầu. Luôn tồn tại nỗi sợ rằng ai đó sẽ thao túng phần mềm cơ sở để tạo ra tiền giả cho bản thân họ. Nhưng chuỗi khối sử dụng 3 nguyên tắc mật mã, phi tập trung và đồng thuận để tạo ra một hệ thống phần mềm cơ sở có độ bảo mật cao, gần như không thể bị làm giả. Không có một điểm lỗi làm chết cả hệ thống và một người dùng sẽ không thể thay đổi các bản ghi giao dịch.

Cải thiện hiệu quả

Các giao dịch giữa doanh nghiệp với nhau có thể tốn rất nhiều thời gian và tạo ra tắc nghẽn trong hoạt động, đặc biệt là khi có sự tham gia của các cơ quan tuân thủ và quản lý bên thứ ba. Tính minh bạch và các hợp đồng thông minh trong chuỗi khối làm cho các giao dịch kinh doanh như vậy nhanh hơn và hiệu quả hơn.

Kiểm tra nhanh hơn

Doanh nghiệp phải có khả năng tạo, trao đổi, lưu trữ và xây dựng lại các giao dịch điện tử một cách an toàn theo cách thức có thể kiểm tra được. Các bản ghi trong chuỗi khối là bất biến theo thứ tự thời gian, có nghĩa là tất cả các bản ghi luôn được sắp xếp theo thời gian. Tính minh bạch của dữ liệu này giúp cho việc xử lý kiểm tra nhanh hơn hẳn.

Sự khác biệt giữa Bitcoin và chuỗi khối là gì?

Bitcoin và chuỗi khối có thể được sử dụng thay thế cho nhau, nhưng chúng là hai khái niệm khác nhau. Vì Bitcoin là một ứng dụng thời đầu của công nghệ chuỗi khối nên mọi người đã vô tình bắt đầu sử dụng Bitcoin để chỉ chuỗi khối, tạo ra sự nhầm lẫn về thuật ngữ này. Nhưng công nghệ chuỗi khối có nhiều ứng dụng ngoài Bitcoin.

Bitcoin là một loại tiền kỹ thuật số hoạt động mà không có bất kỳ sự kiểm soát tập trung nào. Bitcoin ban đầu được tạo ra để thực hiện các giao dịch tài chính trực tuyến nhưng hiện Bitcoin được coi là tài sản kỹ thuật số có thể được chuyển đổi sang bất kỳ loại tiền tệ toàn cầu nào khác, như USD hoặc euro. Một mạng lưới chuỗi khối Bitcoin công khai tạo và quản lý sổ cái trung tâm. 

Mạng lưới Bitcoin

Một sổ cái công khai ghi lại tất cả các giao dịch Bitcoin và các máy chủ trên khắp thế giới giữ các bản sao của sổ cái này. Các máy chủ này giống như ngân hàng. Mặc dù mỗi ngân hàng chỉ biết về số tiền mà khách hàng của họ trao đổi nhưng các máy chủ Bitcoin biết về mọi giao dịch Bitcoin trên thế giới.

Bất kỳ ai có dư máy tính đều có thể thiết lập một trong những máy chủ này, được gọi là nút. Điều này giống như mở ngân hàng Bitcoin của riêng mình thay vì mở tài khoản ngân hàng.

Đào Bitcoin

Trên mạng lưới Bitcoin công khai, các thành viên đào tiền điện tử bằng cách giải các phương trình mật mã để tạo ra khối mới. Hệ thống phát công khai mỗi giao dịch mới lên mạng lưới và chia sẻ từ nút này sang nút khác. Cứ sau khoảng 10 phút, các thợ đào thu thập những giao dịch này vào một khối mới và thêm chúng vĩnh viễn vào chuỗi khối, đóng vai trò như sổ tài khoản cuối cùng của Bitcoin.

Việc đào Bitcoin đòi hỏi nguồn lực điện toán đáng kể và mất nhiều thời gian do sự phức tạp của quy trình phần mềm. Đổi lại, các thợ đào kiếm được một khoản tiền điện tử nhỏ. Các thợ đào đóng vai trò như những người thư ký hiện đại ghi lại các giao dịch và thu phí giao dịch.

Tất cả những người tham gia trên toàn mạng lưới đạt được sự đồng thuận về việc ai sở hữu đồng tiền nào, bằng cách sử dụng công nghệ mật mã hóa chuỗi khối.

Sự khác biệt giữa cơ sở dữ liệu và chuỗi khối là gì?

Chuỗi khối là một loại hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu đặc biệt có nhiều tính năng hơn một cơ sở dữ liệu thông thường. Trong danh sách sau, chúng tôi mô tả một số khác biệt đáng kể giữa cơ sở dữ liệu truyền thống và chuỗi khối:

  • Chuỗi khối phân quyền kiểm soát mà không làm tổn hại đến sự tin tưởng vào dữ liệu hiện có. Các hệ thống cơ sở dữ liệu khác sẽ không thể làm được điều này.
  • Các công ty tham gia vào một giao dịch không thể chia sẻ toàn bộ cơ sở dữ liệu của họ. Nhưng trong các mạng lưới chuỗi khối, mỗi công ty đều có bản sao sổ cái và hệ thống tự động duy trì tính nhất quán giữa hai sổ cái.
  • Mặc dù trong hầu hết các hệ thống cơ sở dữ liệu, bạn có thể chỉnh sửa hoặc xóa dữ liệu, nhưng trong chuỗi khối, bạn chỉ có thể chèn thêm dữ liệu.

Chuỗi khối có gì khác với đám mây?

Thuật ngữ đám mây là chỉ các dịch vụ điện toán có thể truy cập trực tuyến. Bạn có thể truy cập Phần mềm dưới dạng dịch vụ (SaaS), Sản phẩm dưới dạng dịch vụ (PaaS) và Cơ sở hạ tầng dưới dạng dịch vụ (IaaS) từ đám mây. Các nhà cung cấp dịch vụ đám mây quản lý phần cứng và cơ sở hạ tầng của họ cũng như cung cấp cho bạn quyền truy cập vào những tài nguyên điện toán này qua Internet. Họ cung cấp nhiều tài nguyên hơn là chỉ quản lý cơ sở dữ liệu. Nếu bạn muốn tham gia vào một mạng lưới chuỗi khối công khai, bạn sẽ cần cung cấp tài nguyên phần cứng để lưu trữ bản sao sổ cái của mình. Bạn cũng có thể sử dụng máy chủ từ đám mây cho mục đích này. Một số nhà cung cấp đám mây cũng cung cấp Chuỗi khối dưới dạng dịch vụ (BaaS) hoàn chỉnh từ đám mây.

Chuỗi khối dưới dạng dịch vụ là gì?

Chuỗi khối dưới dạng dịch vụ (BaaS) là một dịch vụ chuỗi khối được quản lý mà bên thứ ba cung cấp trên đám mây. Bạn có thể phát triển các ứng dụng chuỗi khối và dịch vụ kỹ thuật số trong khi nhà cung cấp dịch vụ đám mây cung cấp cơ sở hạ tầng và các công cụ xây dựng chuỗi khối. Tất cả những gì bạn phải làm là tùy chỉnh công nghệ chuỗi khối hiện có, giúp việc áp dụng chuỗi khối nhanh hơn và hiệu quả hơn.   

Các dịch vụ AWS Blockchain là gì?

Các dịch vụ AWS Blockchain cung cấp những công cụ được xây dựng theo mục đích để hỗ trợ yêu cầu của bạn. Bạn có thể sử dụng các dịch vụ này để xây dựng mọi thứ từ cơ sở dữ liệu sổ cái tập trung duy trì bản ghi bất biến của các giao dịch đến mạng lưới chuỗi khối đa bên, được quản lý hoàn toàn giúp loại bỏ các bên trung gian. AWS có vô số giải pháp chuỗi khối đã được xác thực từ những đối tác hỗ trợ tất cả các giao thức chuỗi khối chủ yếu, bao gồm Hyperledger, Corda, Ethereum, Quorum, v.v. Do đó, bạn có thể phát triển các ứng dụng chuỗi khối và sổ cái dễ dàng, nhanh chóng và hiệu quả hơn với AWS. Sau đây là một số dịch vụ AWS Blockchain hữu ích:

Cơ sở dữ liệu sổ cái lượng tử của Amazon (Amazon QLDB) là cơ sở dữ liệu sổ cái được quản lý hoàn toàn, cung cấp nhật ký giao dịch minh bạch, bất biến và có thể xác minh bằng mật mã. Dịch vụ này có một nhật ký tích hợp để lưu trữ một mục ghi chính xác mọi thay đổi dữ liệu theo trình tự. Nhật ký chỉ có thể ghi thêm, có nghĩa là người dùng có thể thêm dữ liệu vào nhật ký nhưng không thể ghi đè hoặc xóa dữ liệu. 

Blockchain được quản lý của Amazon là một dịch vụ được quản lý hoàn toàn giúp bạn dễ dàng tham gia các mạng lưới công khai hoặc tạo và quản lý các mạng lưới riêng tư có thể thay đổi quy mô bằng cách sử dụng Hyperledger Fabric và Ethereum. Bắt đầu sử dụng chuỗi khối bằng cách tạo tài khoản AWS ngay hôm nay.

Video giải thích về Blockchain được quản lý của Amazon

Blockchain trên AWS là gì?
  • Tên dịch vụ
  • Danh mục sản phẩm
  • Ngày khởi chạy (mới nhất trước)
  • Ngày khởi chạy (cũ nhất trước)
Không tìm thấy kết quả
1

Các bước tiếp theo trên AWS

Tham khảo các tài nguyên bổ sung liên quan đến sản phẩm
Tìm hiểu thêm về các dịch vụ chuỗi khối 
Đăng ký tài khoản miễn phí

Nhận ngay quyền sử dụng Bậc miễn phí của AWS.

Đăng ký 
Bắt đầu xây dựng trong bảng điều khiển

Bắt đầu xây dựng trong AWS Management Console.

Đăng nhập