Máy chủ đám mây là gì?

Máy chủ đám mây là một máy chủ ảo hóa chạy trên đám mây trên cơ sở hạ tầng thuộc sở hữu của nhà cung cấp dịch vụ đám mây. Trước đây, các tổ chức phải mua và duy trì máy chủ vật lý của riêng mình. Họ sử dụng máy chủ để chạy và lưu trữ ứng dụng, cũng như tính toán khối lượng công việc cần thiết để xử lý và phân tích dữ liệu. Máy chủ được đặt tại chỗ hoặc trong các trung tâm dữ liệu lân cận. Ngày nay, tổ chức của bạn có thể triển khai máy chủ đám mây ảo ở bất cứ đâu trên thế giới. Những không gian ảo này chạy trên các máy chủ vật lý được mua và duy trì bởi các nhà cung cấp dịch vụ đám mây bên thứ ba. Bản sao máy chủ ảo, hay máy chủ đám mây, mang lại hiệu suất, các lựa chọn cấu hình và khả năng sử dụng giống như một máy chủ vật lý. Bạn có thể truy cập vào máy chủ đám mây không giới hạn thuộc hàng trăm loại cấu hình khác nhau. Khi có sức mạnh này, bạn có thể chạy và lưu trữ tất cả các loại ứng dụng và khối lượng công việc trên đám mây.

Máy chủ đám mây mang lại những lợi ích gì?

Máy chủ đám mây là một phần quan trọng của điện toán đám mây; chúng loại bỏ nhu cầu mua, chạy và quản lý các máy chủ vật lý. Bạn có thể sử dụng máy chủ đám mây riêng hoặc kết hợp với cơ sở hạ tầng máy chủ hiện có. Việc khởi chạy máy chủ trên đám mây chưa bao giờ dễ dàng hay có thể cấu hình linh hoạt đến thế. Hiện nay, có nhiều loại máy chủ đám mây khác nhau dành cho mọi nhu cầu sử dụng của cá nhân và doanh nghiệp.

Nhiều tùy chọn linh hoạt

Với các máy chủ đám mây, bạn có thể triển khai hầu hết mọi loại kiến trúc máy chủ – bất kể phần cứng cơ bản. Điều này có nghĩa là bạn có thể chọn máy chủ đám mây dựa trên các tùy chọn ưu tiên như khả năng đồ họa, khối lượng công việc máy học hoặc chức năng mạng.

Đạt được các mục tiêu tuân thủ là việc rất dễ dàng, vì bạn cũng có thể chọn khu vực địa lý để đặt máy chủ đám mây. Bạn có thể chọn cả vùng vị trí của máy chủ trong môi trường điện toán đám mây.

Tiết kiệm chi phí quản lý

Đầu tư vào các máy chủ vật lý từng là việc tốn kém và đòi hỏi phải có kế hoạch tương đối dài hạn. Số tiền mua một máy chủ vật lý là khoản đầu tư nhiều năm. Giờ đây, bạn có thể thuê một máy chủ đám mây theo yêu cầu và chi trả theo từng giây sử dụng. Bạn có thể thuê một số máy chủ đám mây tại bất kỳ thời điểm nào để xử lý các loại khối lượng công việc khác nhau, đều không bị ràng buộc thanh toán.

Máy chủ đám mây cũng không tốn chi phí bảo trì liên tục. Nhà cung cấp dịch vụ đám mây có thể đảm nhận một số khía cạnh quản lý như hệ điều hành, cấu hình và bản cập nhật bảo mật. Điều này loại bỏ nhu cầu quản lý nội bộ.

Hơn nữa, các máy chủ đám mây được xây dựng trong phần mềm, nên không bị xuống cấp theo thời gian. Nhờ đó, bạn cũng không tốn chi phí ngừng sử dụng so với việc mua máy chủ phần cứng rồi không sử dụng nữa.

Khả năng cung cấp có thể mở rộng

Máy chủ đám mây thường có quy mô linh hoạt. Nếu máy chủ hết dung lượng hoặc năng lực, bạn có thể cài đặt để loại máy chủ hoặc số lượng máy chủ tự động tăng. Cài đặt như vậy sẽ điều chỉnh cho phù hợp với khối lượng công việc lớn hơn. Bạn cũng có thể làm ngược lại và tự động giảm kích thước cho phù hợp với khối lượng công việc nhỏ hơn.

Các máy chủ đám mây cũng đi kèm với các cơ chế giúp đảm bảo độ sẵn sàng cao, chẳng hạn như cân bằng tải nâng cao và chuyển hướng chuyển đổi dự phòng tích hợp.

Máy chủ đám mây có thể sử dụng trong những trường hợp nào?

Bạn có thể sử dụng máy chủ đám mây để chạy tất cả các loại khối lượng công việc. Dưới đây là một số ví dụ:

  • Phần mềm doanh nghiệp, chẳng hạn như hệ thống nhân sự (HR) và quản lý quan hệ khách hàng (CRM)
  • Các ứng dụng của khách hàng, chẳng hạn như ứng dụng di động và quản lý tài liệu
  • Xử lý đồ họa cao cấp, chẳng hạn như phát trực tuyến video và trò chơi
  • Ứng dụng lập mô hình khoa học
  • Cơ sở dữ liệu được thao tác thông qua các truy vấn cơ sở dữ liệu đến
  • Các ứng dụng web và trang web, thông qua các máy chủ web chuyên dụng chạy phương thức giao tiếp HTTP
  • Khối lượng công việc máy học (ML), để đào tạo các mô hình ML đòi hỏi năng lực điện toán lớn

Một máy chủ đám mây cung cấp khả năng điều chỉnh quy mô và độ linh hoạt cho tất cả các ứng dụng hiện đại. Bạn có thể sử dụng một máy chủ đám mây cho trí tuệ nhân tạo (AI) cũng như các vi dịch vụ, hoạt động phân tích và phát trực tuyến.

Máy chủ đám mây hoạt động như thế nào?

Máy chủ bare metal (hoặc máy chủ vật lý) là một máy dạng hộp có mạch và chip, bộ nhớ, bộ lưu trữ và CPU. Máy chủ này chiếm không gian vật lý và vận hành bằng điện.

Ngược lại, máy chủ đám mây, máy chủ ảo, phiên bản đám mây hay máy ảo (VM) chỉ là phần mềm. Tuy nhiên, loại máy chủ này hoạt động giống như máy vật lý. Máy chủ đám mây cũng xuất hiện trên bất kỳ thiết bị hoặc kết nối nào khác như một máy chủ vật lý.

Các tổ chức chạy VM trên máy chủ vật lý của riêng họ. Tuy nhiên, máy chủ đám mây là máy ảo hoàn toàn được tạo và quản lý bởi nhà cung cấp dịch vụ đám mây. Nhà cung cấp dịch vụ đám mây sở hữu và quản lý phần cứng và cơ sở hạ tầng cơ bản.

Phần lớn điện toán đám mây, bao gồm cả máy chủ đám mây và các dịch vụ khác do các nhà cung cấp dịch vụ đám mây cung cấp, được xây dựng trên nền tảng ảo hóa. 

Ảo hóa

Ảo hóa là quá trình tạo và chạy một phiên bản ảo của tài nguyên CNTT thực tế. Nhiều máy chủ ảo có thể chạy trên cùng một máy vật lý, chia sẻ các tài nguyên điện toán cơ bản đó.

Với công nghệ ảo hóa, bạn không phải giới hạn toàn bộ phần cứng vào một hệ điều hành và môi trường cấu hình duy nhất. Thay vào đó, bạn có thể chạy các hệ điều hành, khối lượng công việc và ứng dụng khác nhau trong nhiều môi trường ảo được phân lập hoàn toàn. Các máy chủ ảo được phân lập giúp bạn chia sẻ được nhiều tài nguyên hơn. Chúng thường giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí hơn.

Cung cấp

Trong hoạt động cung cấp máy chủ đám mây, bạn phân bổ và định cấu hình tài nguyên điện toán trong môi trường đám mây để triển khai VM. Bạn cung cấp máy chủ đám mây bằng API. Các API cho phép bạn tạo, định cấu hình, xóa và quản lý các máy chủ đám mây của mình từ xa. 

Quá trình này thường bắt đầu bằng việc chỉ định các thuộc tính máy chủ mong muốn – chẳng hạn như CPU, bộ nhớ, bộ lưu trữ và khả năng mạng. Bạn cũng chỉ định hệ điều hành và bất kỳ phần mềm nào được cài đặt sẵn.

Khi bạn xác định các tham số, các công cụ tự động trong nền tảng đám mây sẽ khởi tạo các máy chủ đám mây, liên kết chúng với tài nguyên thích hợp cũng như định cấu hình cài đặt mạng và bảo mật. Nhờ đó, bạn co thể triển khai nhanh chóng, với quy mô linh hoạt, năng lực điện toán dành riêng cho nhu cầu cụ thể.

Thông thường, các máy chủ đám mây được tải sẵn hệ điều hành dựa trên Linux. Việc chọn loại máy chủ phù hợp phụ thuộc vào công việc bạn thực hiện. Một số loại máy chủ và cấu hình sẽ phù hợp hơn với một số loại khối lượng công việc nhất định.

Máy chủ đám mây có những loại nào?

Chúng tôi phân loại máy chủ đám mây theo cấu hình của chúng và cách chúng ánh xạ tới cơ sở hạ tầng máy chủ vật lý cơ bản. 

Cấu hình

Bạn có thể chọn trong số nhiều máy chủ đám mây được cấu hình sẵn cho các trường hợp sử dụng khác nhau. Sau đây chúng tôi sẽ đưa ra một vài ví dụ.

Đa dụng

Các phiên bản này có tỷ lệ cân bằng giữa CPU, bộ nhớ và bộ lưu trữ. Nhờ đó, các phiên bản trở nên phù hợp với một loạt ứng dụng như máy chủ web và cơ sở dữ liệu vừa và nhỏ.

Tối ưu hóa điện toán

Những phiên bản này được thiết kế để xử lý khối lượng công việc sử dụng nhiều tài nguyên CPU. Những phiên bản này có tỷ lệ cao giữa số lõi CPU so với bộ nhớ. Vì vậy, những phiên bản này lý tưởng cho các ứng dụng liên quan đến điện toán như xử lý theo lô và lập mô hình khoa học.

Tối ưu hóa bộ nhớ

Các phiên bản này có dung lượng RAM cao so với số lõi CPU. Các phiên bản này phù hợp với các ứng dụng yêu cầu lưu giữ tập dữ liệu lớn trong bộ nhớ, chẳng hạn như cơ sở dữ liệu nằm trong bộ nhớ và nền tảng phân tích dữ liệu lớn.

Điện toán tăng tốc

Những phiên bản này được trang bị bộ tăng tốc phần cứng như bộ xử lý đồ họa (GPU) hoặc mạch tích hợp có thể tái lập trình (FPGA). Các phiên bản này được tối ưu hóa cho các tác vụ chuyên sâu như MK, kết xuất đồ họa và mô phỏng khoa học.

Tối ưu hóa bộ lưu trữ

Các phiên bản này cung cấp thông lượng ổ đĩa cao và được tối ưu hóa để xử lý khối lượng công việc yêu cầu truy cập tốc độ cao vào khối lượng dữ liệu lớn, chẳng hạn như phân tích dữ liệu lớn và lưu kho dữ liệu.

Điện toán hiệu năng cao

Phiên bản điện toán hiệu năng cao (HPC) được tùy chỉnh để xử lý khối lượng công việc chuyên sâu về điện toán đòi hỏi hiệu năng mạng cao và độ trễ thấp. Các phiên bản này phù hợp cho các nhiệm vụ như mô phỏng động lực học chất lưu, phân tích địa chấn và các hoạt động tính toán khoa học khác.

Loại lưu trữ

Máy chủ đám mây cũng có thể được phân loại theo loại và gói lưu trữ. Tất cả các máy chủ đám mây chỉ được sử dụng bởi một tài khoản. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng cơ bản khác nhau giữa dịch vụ lưu trữ dùng chung và lưu trữ chuyên dụng. 

Đọc về dịch vụ lưu trữ đám mây »

Dịch vụ lưu trữ dùng chung

Trong môi trường lưu trữ dùng chung, nhiều máy chủ đám mây dùng chung các tài nguyên của một máy chủ vật lý cơ bản. Khối lượng công việc cao trên một máy chủ đám mây có thể ảnh hưởng đến hiệu suất của những máy chủ khác.

Dịch vụ lưu trữ bằng máy chủ riêng ảo

Máy chủ riêng ảo (VPS) là một máy chủ đám mây chạy trên cùng một máy chủ vật lý với các máy chủ đám mây khác. Tuy nhiên, máy chủ này được phân bổ riêng một phần chuyên dụng trong tài nguyên của máy chủ. Khối lượng công việc cao trên các máy chủ khác không ảnh hưởng đến hiệu suất của VPS.

Đọc về VPS »

Dịch vụ lưu trữ chuyên dụng

Dịch vụ lưu trữ chuyên dụng cung cấp nguyên một máy chủ vật lý cho một tổ chức duy nhất. Tổ chức có thể cấu hình máy vật lý thành một máy chủ đám mây hoặc nhiều máy chủ để kiểm soát hoàn toàn môi trường chạy máy chủ của mình.

Ở một số nơi, dịch vụ lưu trữ dùng chung còn được gọi là máy chủ đám mây công cộng và dịch vụ lưu trữ chuyên dụng được gọi là máy chủ đám mây riêng tư. Mặc dù có tên như vậy nhưng tất cả máy chủ đám mây đều mang tính riêng tư. Sự khác biệt là dịch vụ lưu trữ chuyên dụng cô lập các máy chủ đám mây ở cấp độ phần cứng. Mặt khác, các máy chủ đám mây công cộng cô lập ở cấp độ phần mềm.

AWS có thể giúp đáp ứng các yêu cầu về máy chủ đám mây như thế nào?

Amazon Web Services (AWS) cung cấp các giải pháp máy chủ đám mây cho các tổ chức thuộc mọi quy mô. Bạn có thể chọn tùy chọn máy chủ đám mây tốt nhất tùy thuộc vào trường hợp sử dụng, cấu hình và yêu cầu tùy chỉnh.

Một số dịch vụ của chúng tôi cung cấp máy chủ đám mây được cấu hình sẵn. Đây là những lựa chọn lý tưởng cho người dùng muốn tập trung vào việc xây dựng ứng dụng và để chúng tôi phụ trách việc quản lý máy chủ. Các dịch vụ điện toán đám mây khác cung cấp cho bạn toàn quyền kiểm soát mọi khía cạnh của môi trường máy chủ, từ cấu hình phần cứng đến hệ điều hành. 

Ví dụ: Bạn có thể sử dụng các dịch vụ này.

Đám mây điện toán linh hoạt của Amazon (Amazon EC2) cung cấp chức năng điện toán đám mây có quy mô linh hoạt trên đám mây. Dịch vụ này cung cấp nhiều cấu hình máy chủ đám mây để đáp ứng mọi khối lượng công việc điện toán đám mây. Ví dụ: máy chủ đám mây đa dụng và phiên bản M5 được hỗ trợ bởi bộ xử lý Intel Xeon® Platinum 8175M hoặc 8259CL, còn phiên bản T4g được hỗ trợ bởi bộ xử lý AWS Graviton2 được tạo riêng dựa trên arm.

Amazon Lightsail cho phép bạn khởi chạy và quản lý máy chủ riêng ảo được cấu hình sẵn bằng AWS. Lightsail rất dễ sử dụng và cung cấp các tính năng như máy chủ riêng ảo, bộ chứa, bộ lưu trữ, cơ sở dữ liệu, v.v. – chưa kể đến hệ điều hành chỉ cần nhấp để khởi chạy.

AWS Amplify lý tưởng để phát triển, triển khai và lưu trữ ứng dụng web một trang hoặc trang web tĩnh có backend phi máy chủ.

Bắt đầu sử dụng các máy chủ đám mây trên AWS bằng cách tạo tài khoản ngay hôm nay.

Các bước tiếp theo trên AWS

Tham khảo các tài nguyên bổ sung liên quan đến sản phẩm
Tìm hiểu về các dịch vụ điện toán 
Đăng ký một tài khoản miễn phí

Nhận ngay quyền sử dụng Bậc miễn phí của AWS.

Đăng ký 
Bắt đầu xây dựng trong bảng điều khiển

Bắt đầu xây dựng trong AWS Management Console.

Đăng nhập