Bus dịch vụ doanh nghiệp là gì?

Bus dịch vụ doanh nghiệp (ESB) là một mẫu kiến trúc phần mềm hỗ trợ trao đổi dữ liệu theo thời gian thực giữa các ứng dụng khác nhau. Các tổ chức lớn có nhiều ứng dụng thực hiện các chức năng khác nhau bằng cách sử dụng các mô hình dữ liệu, giao thức và hạn chế bảo mật đa dạng. ESB giúp tích hợp ứng dụng dễ dàng hơn bằng cách thực hiện các thao tác như chuyển đổi dữ liệu, chuyển đổi giao thức, định tuyến thông điệp. Các ứng dụng truyền dữ liệu liên quan đến ESB, sau đó ESB chuyển đổi và chuyển tiếp dữ liệu đến các ứng dụng khác cần đến dữ liệu đó.

Lợi ích của bus dịch vụ doanh nghiệp là gì?

Khái niệm bus dịch vụ doanh nghiệp (ESB) có thể chuẩn hóa và đơn giản hóa việc giao tiếp, truyền thông điệp và tích hợp giữa các dịch vụ trên toàn tổ chức. Tiếp theo, chúng tôi sẽ trình bày một số lợi ích từ việc triển khai kiến trúc ESB quy mô nhỏ.

Cải thiện tích hợp ứng dụng

ESB cung cấp một nền tảng trung tâm để tích hợp ứng dụng doanh nghiệp. Các tổ chức có thể tích hợp liền mạch tất cả các loại hệ thống và ứng dụng, bất kể công nghệ hoặc giao thức cơ bản. Điều này giúp các tổ chức dễ dàng duy trì, quản lý và điều chỉnh quy mô ứng dụng của họ.

Tăng độ hiệu quả của nhà phát triển

Các nhà phát triển xây dựng ứng dụng nhanh hơn bằng cách sử dụng các dịch vụ giao tiếp được dựng sẵn do ESB cung cấp. Các đội ngũ chia sẻ chi phí cơ sở hạ tầng và cung cấp máy chủ để sử dụng kết hợp. Các đội ngũ cũng giảm chi phí chung và chi phí vận hành, đồng thời cải thiện hiệu quả tổng thể. ESB cũng có thể hỗ trợ thời gian đưa ra thị trường nhanh hơn và giảm chi phí phát triển.

Tăng cường khả năng hiển thị và kiểm soát

Với ESB, các tổ chức có thể giám sát luồng dữ liệu và dịch vụ trên các ứng dụng khác nhau, cũng như nhanh chóng xác định và giải quyết mọi vấn đề có thể phát sinh. Điều này giúp các tổ chức đảm bảo các ứng dụng của họ sẵn sàng, đáng tin cậy và bảo mật.

Bus dịch vụ doanh nghiệp hoạt động như thế nào?

Bus dịch vụ doanh nghiệp (ESB) hoạt động trên các nguyên tắc của kiến trúc định hướng dịch vụ (SOA).

SOA là một phương pháp phát triển phần mềm sử dụng các thành phần phần mềm được gọi là dịch vụ để tạo ra các ứng dụng dành cho doanh nghiệp. Mỗi dịch vụ cung cấp một tính năng doanh nghiệp, đồng thời nhiều dịch vụ cũng có thể giao tiếp với nhau giữa các nền tảng và ngôn ngữ.

Nền tảng ESB cung cấp các dịch vụ giao tiếp mà các ứng dụng sử dụng để tương tác với nhau. Ví dụ như chuyển đổi thông điệp, chuyển đổi giao thức, định tuyến và xác thực.

 
(Triển khai ESB trên AWS)

Tiếp theo, chúng ta sẽ thảo luận về các thành phần chính của kiến trúc ESB.

Điểm cuối

Trong kiến trúc ESB, các điểm cuối có thể được coi như điểm đầu vào hoặc điểm đầu ra ESB.

Mỗi điểm cuối thường có một địa chỉ hoặc mã định danh duy nhất. Bạn có thể triển khai các điểm cuối bằng cách sử dụng nhiều công nghệ khác nhau, ví dụ như giao diện dịch vụ web, hàng đợi thông điệp hoặc máy chủ FTP. Điểm cuối cũng có thể xử lý các loại thông điệp khác nhau, như XML, JSON hoặc dữ liệu nhị phân.

Tính linh hoạt của kiến trúc điểm cuối cho phép ESB tích hợp với một loạt các hệ thống và ứng dụng.

Trình chuyển đổi

Thành phần trình chuyển đổi trong các công cụ ESB dịch thông điệp giữa các định dạng và giao thức khác nhau. Điều này có nghĩa là các ứng dụng phần mềm tiếp nhận có thể sử dụng đúng cách các thông điệp đó. Trình chuyển đổi cũng có thể cung cấp các tính năng như tạo bản ghi thông điệp, giám sát, xác thực và xử lý lỗi.

Bus

Bus là thành phần ESB cốt lõi để trao đổi thông điệp giữa các điểm cuối. Bus sử dụng một bộ các quy tắc hoặc chính sách dựa trên các tiêu chí khác nhau như loại thông điệp, nội dung hoặc đích đến để định tuyến thông điệp.

Bạn có thể xác định các chính sách trong cấu hình ESB để đáp ứng yêu cầu của các quy trình kinh doanh phức tạp. Bus sử dụng nhiều giao thức giao tiếp như HTTP, JMS và FTP để giao tiếp với các điểm cuối.

Bus hoạt động như sau:

  1. Bus nhận thông điệp tại một điểm cuối
  2. Sau đó, bus xác định địa chỉ của điểm cuối đích bằng cách kiểm tra các quy tắc của chính sách kinh doanh
  3. Cuối cùng, bus xử lý thông điệp và gửi đến điểm cuối đích

Ví dụ: giả sử bus nhận một tệp XML từ một ứng dụng được kết nối với điểm cuối A. Bus xác định rằng tệp XML này cần phải được gửi đến điểm cuối B và C. Điểm cuối B yêu cầu dữ liệu JSON trong khi điểm cuối C yêu cầu hàm Put của HTTP. Trình chuyển đổi sẽ chuyển đổi tệp XML sang định dạng JSON và bus gửi tệp đó đến điểm cuối B. Bus thực hiện một yêu cầu HTTP bằng XML ở điểm cuối C.

Bus dịch vụ doanh nghiệp có những hạn chế nào?

Kiến trúc doanh nghiệp đã ngừng sử dụng bus dịch vụ doanh nghiệp (ESB) do những hạn chế sau đây.

Độ phức tạp

ESB đòi hỏi phải có kiến thức kỹ thuật chuyên môn để triển khai và duy trì một ESB, khiến nó trở nên phức tạp và tốn kém. Ràng buộc với nhà cung cấp gây khó khăn cho việc chuyển sang một giải pháp ESB khác và giới hạn các tùy chọn tích hợp dữ liệu. Các đội ngũ phải chờ đợi trong thời gian dài vì chỉ có nhóm quản lý trung tâm của ESB mới có thể tích hợp các ứng dụng doanh nghiệp mới.

Khả năng điều chỉnh quy mô

Phần mềm ESB làm tăng thêm độ trễ trong giao tiếp do có thêm các lớp trừu tượng và xử lý. Khi số lượng điểm cuối và việc ánh xạ dịch vụ giao tiếp tăng lên, ESB trở thành điểm gây cản trở và ảnh hưởng đến hiệu năng. Chi phí triển khai độ sẵn sàng cao và phục hồi sau thảm họa cho các máy chủ ESB cũng gia tăng.

Khó khăn trong nâng cấp

Việc cải tiến quá trình tích hợp ESB có thể gây ra sự bất ổn trong các thành phần được kết nối khác và cần kiểm thử khá nhiều trước khi cập nhật. Tài trợ cho quá trình nâng cấp dự án ESB đòi hỏi sự cộng tác giữa các đội ngũ, điều này có thể rất khó khăn.

Những công nghệ nào đang thay thế bus dịch vụ doanh nghiệp?

Ngày nay, việc sử dụng bus dịch vụ doanh nghiệp (ESB) bị giới hạn chủ yếu ở các hệ thống cũ yêu cầu tích hợp phức tạp. Mẫu kiến trúc ESB đã được thay thế bởi kiến trúc vi dịch vụ và nhiều công nghệ khác.

Kiến trúc vi dịch vụ được tạo thành từ các thành phần phần mềm rất nhỏ và hoàn toàn độc lập, với các giao thức giao tiếp riêng được hiển thị qua các API gọn nhẹ. Về cơ bản, việc của đối tượng sử dụng là dùng vi dịch vụ thông qua API của họ, từ đó loại bỏ nhu cầu sử dụng ESB tập trung.

Để biết thêm thông tin, bạn có thể tìm hiểu về vi dịch vụtìm hiểu về API.

Khi điện toán đám mây và kiến trúc vi dịch vụ phát triển, các công nghệ mới ra đời thường được xem như là lựa chọn thay thế cho ESB. Tiếp theo, chúng ta sẽ thảo luận về một số công nghệ trong số đó.

Cổng API

Cổng API là các thành phần gọn nhẹ cung cấp một điểm đầu vào duy nhất cho máy khách truy cập nhiều dịch vụ. Chúng thường được sử dụng để quản lý các API, thực thi bảo mật và xử lý lưu lượng truy cập.

Mạng lưới dịch vụ

Lưới dịch vụ là một lớp cơ sở hạ tầng chuyên dụng để quản lý giao tiếp giữa các dịch vụ trong kiến trúc vi dịch vụ. Lưới dịch vụ cung cấp các tính năng như khám phá dịch vụ, cân bằng tải và quản lý lưu lượng truy cập.

Kiến trúc định hướng theo sự kiện

Trong kiến trúc định hướng theo sự kiện, các dịch vụ giao tiếp thông qua quá trình xử lý sự kiện không đồng bộ thay vì các yêu cầu đồng bộ. Sự kiện là một thay đổi về trạng thái hoặc một cập nhật, chẳng hạn như một mặt hàng được đặt vào giỏ hàng trên trang web thương mại điện tử. Sự kiện có thể mang trạng thái (mặt hàng đã mua, giá cả và địa chỉ giao hàng) hoặc là mã định danh (thông báo rằng một đơn hàng đã được giao).

Bus sự kiện là gì?

Nhiều tổ chức đã chuyển từ bus dịch vụ doanh nghiệp (ESB) sang bus sự kiện. Bus sự kiện là một quy trình tiếp nhận sự kiện. Nó kết nối các thành phần của ứng dụng với nhau dựa trên các sự kiện, giúp bạn dễ dàng xây dựng các ứng dụng định hướng theo sự kiện có quy mô linh hoạt.

 

Các quy tắc được gắn với bus sự kiện sẽ đánh giá sự kiện khi chúng đến. Mỗi quy tắc kiểm tra xem một sự kiện có phù hợp với tiêu chí của quy tắc hay không. Bạn gắn một quy tắc với một bus sự kiện cụ thể, do vậy quy tắc đó chỉ áp dụng cho các sự kiện được tiếp nhận bởi bus sự kiện đó.

Một đối tượng tạo sự kiện phát hành một sự kiện đến bus sự kiện. Bus sự kiện sẽ lọc và đánh giá các sự kiện khi chúng đến dựa trên các quy tắc được cấu hình sẵn, sau đó đẩy các sự kiện đến đối tượng dùng sự kiện. Dịch vụ dành cho đối tượng tạo sự kiện và dịch vụ dành cho đối tượng dùng sự kiện được tách rời, cho phép điều chỉnh quy mô, cập nhật và triển khai những dịch vụ này một cách độc lập.

AWS có thể hỗ trợ các yêu cầu tích hợp ứng dụng của bạn như thế nào?

Amazon Web Services (AWS) cung cấp một bộ các dịch vụ tích hợp ứng dụng. Những dịch vụ này giúp giao tiếp giữa các thành phần tách rời trong vi dịch vụ, hệ thống phân tán và ứng dụng phi máy chủ. Nếu bạn muốn tìm hiểu kỹ hơn, hãy đọc thêm tại Tích hợp ứng dụng trên AWS.

Ví dụ: bạn có thể sử dụng các dịch vụ sau để đáp ứng yêu cầu của bạn:

  • Cổng API Amazon để tạo, xuất bản, duy trì, giám sát và bảo mật API ở mọi quy mô cho các ứng dụng web và khối lượng công việc phi máy chủ
  • Amazon EventBridge để xây dựng một bus sự kiện kết nối dữ liệu ứng dụng từ các ứng dụng của riêng bạn, phần mềm dưới dạng dịch vụ (SaaS) và các dịch vụ AWS
  • Dịch vụ hàng đợi đơn giản của Amazon (Amazon SQS) để xây dựng một hàng đợi thông điệp gửi, lưu trữ và nhận thông điệp giữa các thành phần của ứng dụng ở mọi dung lượng

Bắt đầu tích hợp ứng dụng trên AWS bằng cách tạo tài khoản ngay hôm nay.

Các bước tiếp theo trên AWS

Tham khảo các tài nguyên bổ sung liên quan đến sản phẩm
Đổi mới nhanh hơn với bộ dịch vụ Tích hợp ứng dụng toàn diện nhất 
Đăng ký tài khoản miễn phí

Nhận ngay quyền sử dụng Bậc miễn phí của AWS.

Đăng ký 
Bắt đầu xây dựng trong bảng điều khiển

Bắt đầu xây dựng trong AWS Management Console.

Đăng nhập