Mạng LAN và mạng WAN khác nhau ở điểm nào?

Mạng cục bộ (LAN) kết nối các thiết bị gần nhau về mặt vật lý thông qua các bộ kết nối như bộ định tuyến và bộ chuyển mạch. Mạng LAN cho phép các thiết bị trao đổi dữ liệu và giao tiếp bảo mật trong phạm vi nhỏ. Mạng diện rộng (WAN) không chỉ nằm trong phạm vi một tòa nhà hoặc khuôn viên rộng lớn mà còn kết nối rộng ra nhiều vị trí trải dài trên một khu vực địa lý cụ thể hoặc thậm chí trên khắp thế giới. Các tổ chức sử dụng mạng WAN để thúc đẩy hoạt động tương tác kỹ thuật số và chia sẻ dữ liệu giữa nhân viên và khách hàng ở các khu vực hoặc quốc gia khác nhau.

Những điểm tương đồng giữa LAN và WAN là gì?

Mạng cục bộ (LAN) và mạng diện rộng (WAN) kết nối máy tính và thiết bị ngoại vi để người dùng mạng có thể chia sẻ dữ liệu và tài nguyên. Đây là những điểm tương đồng khác giữa hai mạng này.

Nguyên tắc cơ bản

LAN và WAN đều là mạng máy tính được tạo thành từ các nút và liên kết. Chúng đều cần từ hai nút trở lên để tạo ra một mạng máy tính.

Một nút mạng có thể là thiết bị truyền thông dữ liệu (DCE) hoặc thiết bị đầu cuối dữ liệu (DTE). DCE bao gồm những thứ như modem (bộ điều giải), hub (bộ chia mạng) hoặc switch (bộ chuyển mạch), trong khi DTE có thể bao gồm từ hai máy tính và máy in trở lên.

Liên kết là phương tiện truyền dẫn kết nối hai nút. Kết nối có dây sử dụng cáp ethernet áp dụng công nghệ đồng trục, sợi quang hoặc xoắn đôi. Mặt khác, kết nối không dây sử dụng sóng vô tuyến, ví dụ như công nghệ 3G, 4G hoặc 5G, để kết nối các nút.

Tìm hiểu về kết nối mạng máy tính »

Truyền dữ liệu

Cả mạng LAN và mạng WAN đều sử dụng các thiết bị mạng DCE. Những thiết bị này giúp mạng điều hướng lưu lượng truy cập và đưa dữ liệu đến đúng điểm đến.

Ngoài ra, cả mạng LAN và mạng WAN đều sử dụng các bộ quy tắc được gọi là giao thức giao tiếp để quản lý việc truyền tải dữ liệu giữa các thiết bị được kết nối. Giao thức phổ biến nhất là TCP/IP. Ngoài ra còn có các giao thức khác cho các hình thức giao tiếp khác nhau, ví dụ như Giao thức gói dữ liệu người dùng (UDP) và Giao thức tin nhắn điều khiển Internet (ICMP).

Bảo mật

Bạn có thể bảo mật cả mạng LAN và mạng WAN bằng cách sử dụng các phương pháp khác nhau như tường lửa, mã hóa và kiểm soát truy cập. Các biện pháp bảo mật ngăn chặn truy cập trái phép vào mạng và bảo vệ dữ liệu nhạy cảm trong quá trình truyền tải. Nếu bạn thực hiện các biện pháp bảo mật nghiêm ngặt, cả mạng LAN và mạng WAN đều có thể cung cấp một môi trường bảo mật cho người dùng của bạn để họ giao tiếp và chia sẻ dữ liệu.

Sự khác biệt chính giữa mạng LAN và mạng WAN là gì?

Về cơ bản, cả mạng cục bộ (LAN) và mạng diện rộng (WAN) đều kết nối nhiều thiết bị. Tuy nhiên, mạng WAN có thể được tạo thành từ nhiều mạng LAN được kết nối với nhau. Mạng WAN là một mạng kết nối nhiều mạng LAN qua một khoảng cách lớn để cho phép các thiết bị giao tiếp trên một khu vực rộng.

Đây là những điểm khác biệt chính khác giữa mạng WAN và mạng LAN.

Thành phần

Mô hình Kết nối các hệ thống mở (OSI) xác định cấu trúc phân lớp về cách máy tính trao đổi dữ liệu trên mạng. Các lớp xác định những bước khác nhau trong quá trình giao tiếp trên mạng và những tác vụ khác nhau mà các thành phần trong mạng thực hiện để quá trình trao đổi diễn ra.

Mạng LAN sử dụng thiết bị truyền thông dữ liệu (DCE) từ lớp 1 và 2 của OSI. Các thiết bị ở lớp 1, chẳng hạn như bộ chia mạng và bộ khuếch đại, truyền dữ liệu qua mạng bằng cách thức vật lý. Ví dụ: chúng có thể chuyển đổi tín hiệu kỹ thuật số thành tín hiệu liên tục để truyền qua phương tiện vật lý. Các thiết bị ở lớp 2, chẳng hạn như bộ chuyển mạch và thiết bị cầu nối, thiết lập và duy trì giao tiếp giữa các thiết bị trên cùng một phân đoạn mạng.

Mạng WAN sử dụng DCE từ các lớp 1, 2 và 3 của OSI.  Thiết bị ở lớp 3 định tuyến dữ liệu giữa các phân đoạn mạng khác nhau. Để làm điều này, chúng kiểm tra địa chỉ của các gói dữ liệu đến và chuyển tiếp các gói này đến các mạng đích phù hợp. Ví dụ bao gồm các bộ chuyển mạch nhiều lớp, bộ định tuyến và các thiết bị dành cho công nghệ cụ thể như bộ chuyển mạch chuyển tiếp khung và chế độ truyền không đồng bộ (ATM).

Kết nối

Trong mạng LAN, các thiết bị sử dụng kết nối vật lý – chẳng hạn như thông qua cáp ethernet hoặc điểm truy cập không dây. Những kết nối này cho phép các thiết bị trong một khu vực địa lý hạn chế có thể giao tiếp nhanh chóng.

Ngược lại, kết nối mạng WAN thường là kết nối ảo qua Internet công cộng. Một loạt các liên kết viễn thông được sử dụng để kết nối các thiết bị trên một khu vực địa lý rộng lớn hơn. Ví dụ: đây là các loại kết nối mạng WAN khác nhau:

  • Các đường dây thuê cung cấp kết nối point-to-point (điểm nối điểm) chuyên dụng giữa hai địa điểm. Chúng thường được sử dụng để truyền dữ liệu tốc độ cao đến các vùng hẻo lánh.
  • Chuyển mạch nhãn đa giao thức (MPLS) là một kỹ thuật định tuyến sử dụng các nhãn để định hướng dữ liệu giữa các vị trí khác nhau qua mạng WAN.
  • Kết nối mạng riêng ảo (VPN) cho phép người dùng truyền dữ liệu một cách an toàn và ẩn danh qua các mạng công cộng.
  • Các kết nối trên nền tảng đám mây liên kết các tài nguyên được lưu trữ trên đám mây với nhau.

Tìm hiểu về VPN »

Tốc độ

Mạng LAN mang lại độ trễ thấp trên đường truyền và tốc độ truyền dữ liệu cao so với mạng WAN. Độ trễ trên đường truyền là thời gian cần thiết để tín hiệu truyền từ điểm này đến điểm khác trong mạng. Các thiết bị LAN được đặt gần nhau và được kết nối thông qua các bộ định tuyến hoặc bộ chuyển mạch bằng cách sử dụng cáp ethernet. Mạng LAN cũng ít bị tắc nghẽn hơn vì hỗ trợ số lượng người dùng hạn chế hơn so với mạng WAN.

Trong khi đó, người dùng mạng WAN phải đối diện với độ trễ cao hơn trên đường truyền và tốc độ truyền dữ liệu thấp hơn. Khoảng cách địa lý là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tốc độ. Ngoài ra, nhiều loại kết nối mạng WAN dựa trên cơ sở hạ tầng Internet công cộng và gặp phải tình trạng tắc nghẽn, lỗi và chậm trễ do cách thức Internet hoạt động. Các đường dây thuê riêng có thể cung cấp tốc độ cao hơn nhưng việc lắp đặt có chi phí đắt đỏ.

So sánh về thời điểm sử dụng LAN và WAN

Cả mạng cục bộ (LAN) và mạng diện rộng (WAN) đều có các trường hợp sử dụng khác nhau để đáp ứng các yêu cầu khác nhau của người dùng.

Thời điểm nên sử dụng mạng LAN

Bạn có thể sử dụng mạng LAN để tạo các kết nối riêng tư, tách biệt, có tốc độ cao giữa các thiết bị ở gần nhau. Dưới đây là một số tình huống nên sử dụng mạng LAN:

  • Trao đổi tệp và giao tiếp trong cùng một vị trí địa lý, ví dụ như một văn phòng hoặc nhiều văn phòng trong cùng một tòa nhà
  • Kết nối robot tự động với cơ chế điều khiển trung tâm trong nhà máy
  • Tạo mạng cho các hệ thống điểm bán hàng di động và thiết bị giám sát bằng video trong cửa hàng bán lẻ
  • Kết nối nhiều cảm biến và đồng hồ đo sử dụng Internet vạn vật (IoT) với một trung tâm để lọc dữ liệu trước khi truyền dữ liệu lên đám mây

Thời điểm nên sử dụng mạng WAN

Bạn có thể sử dụng mạng WAN để kết nối người dùng và ứng dụng một cách bảo mật trên một khu vực địa lý rộng lớn. Dưới đây là một số tình huống nên sử dụng mạng WAN:

  • Tạo điều kiện giao tiếp giữa các văn phòng chi nhánh phân tán về mặt địa lý, qua đó vậy nhân viên có thể giao tiếp và truy cập các tài nguyên chung
  • Cho phép người dùng từ xa, bên thứ ba và đối tác bên ngoài truy cập tài nguyên nội bộ của công ty
  • Kết nối với các ứng dụng và dịch vụ trên nền tảng đám mây
  • Sao chép dữ liệu giữa các địa điểm phân tán về mặt địa lý để sao lưu dữ liệu và phục hồi sau thảm họa

Tóm tắt các điểm khác biệt giữa LAN và WAN

Đặc điểm

LAN

WAN

Là viết tắt của

LAN có nghĩa là mạng cục bộ.

WAN có nghĩa là mạng diện rộng.

Kết nối

Mạng LAN kết nối người dùng và ứng dụng gần nhau về mặt địa lý (trong cùng một tòa nhà).

Mạng WAN kết nối người dùng và ứng dụng ở các địa điểm phân tán về mặt địa lý (trên toàn cầu).

Thành phần

Mạng LAN sử dụng thiết bị kết nối dữ liệu ở Lớp 1 và 2 của OSI để truyền tải.

Mạng WAN sử dụng các thiết bị mạng ở Lớp 1, 2 và 3 để truyền dữ liệu.

Kết nối

Mạng LAN sử dụng các kết nối cục bộ như cáp ethernet và điểm truy cập không dây.

Mạng WAN sử dụng các kết nối trên diện rộng như MPLS, VPN, đường dây thuê và đám mây.

Tốc độ

Mạng LAN nhanh hơn vì bao phủ phạm vi nhỏ hơn và ít tắc nghẽn hơn.

Mạng WAN chậm hơn một chút, nhưng người dùng của bạn có thể sẽ không cảm nhận được điều đó.

Trường hợp sử dụng

Mạng LAN rất tốt cho các mạng IoT riêng, mạng bot và mạng doanh nghiệp nhỏ.

Mạng WAN phù hợp cho việc phục hồi sau thảm họa, các ứng dụng với người dùng toàn cầu và mạng của công ty lớn.

AWS có thể hỗ trợ các yêu cầu của bạn về mạng LAN và mạng WAN như thế nào?

Tại Amazon Web Services (AWS), chúng tôi cung cấp bộ dịch vụ quản lý mạng LAN và mạng WAN đa dạng nhất và chuyên sâu nhất với các dịch vụ kết nối mạng và phân phối nội dung AWS của chúng tôi. Bạn có thể sử dụng những dịch vụ này để phân phối các ứng dụng và nội dung ở bất kỳ đâu trên thế giới thông qua một mạng chuyên dụng.

Dưới đây là các dịch vụ AWS có thể giúp bạn đáp ứng các yêu cầu về mạng LAN và mạng WAN:

Bắt đầu sử dụng mạng LAN và mạng WAN trên AWS bằng cách tạo tài khoản AWS miễn phí ngay hôm nay.

Các bước tiếp theo để sử dụng AWS

Bắt đầu xây dựng với WAN đám mây Amazon
Bắt đầu xây dựng với các dịch vụ kết nối mạng và phân phối nội dung của Amazon