Mở rộng đám mây là gì?
Mở rộng đám mây là một phương pháp cấu hình sử dụng tài nguyên điện toán đám mây bất cứ khi nào cơ sở hạ tầng tại chỗ đạt đến công suất cao nhất. Khi các tổ chức dùng hết tài nguyên điện toán trong trung tâm dữ liệu nội bộ của mình, họ sẽ mở rộng phần khối lượng công việc phụ sang các dịch vụ đám mây của bên thứ ba bên ngoài. Mở rộng đám mây là một cách thuận tiện và tiết kiệm chi phí để hỗ trợ khối lượng công việc với các kiểu nhu cầu khác nhau và khi nhu cầu tăng đột biến theo mùa.
Tại sao mở rộng đám mây lại quan trọng?
Trước đây, các tổ chức mua và duy trì cơ sở hạ tầng điện toán của riêng mình (chẳng hạn như các máy chủ, thiết bị lưu trữ và phần cứng mạng) trong một trung tâm dữ liệu riêng tư hoặc trong một cơ sở nơi cho thuê chỗ đặt máy chủ. Tuy nhiên, nhờ sự ra đời của các nhà cung cấp dịch vụ đám mây bên thứ ba như Amazon Web Services, các tổ chức giờ đây có thể sử dụng cơ sở hạ tầng điện toán công khai sẵn có được bảo mật, có thể dễ dàng tăng giảm quy mô theo tài nguyên để đáp ứng các nhu cầu khối lượng công việc, cũng như sẵn có ở nhiều khu vực trên thế giới. Việc sử dụng cơ sở hạ tầng được bên khác quản lý hoàn toàn càng thuận tiện hơn. Thuật ngữ đám mây công cộng xuất hiện để phân biệt giữa cơ sở hạ tầng nội bộ và các tài nguyên đám mây của bên thứ ba bên ngoài.
Nhiều tổ chức muốn tiếp tục sử dụng cơ sở hạ tầng điện toán tại chỗ hiện có của mình và đồng thời hưởng lợi từ đám mây công cộng. Họ có thể triển khai một kiến trúc đám mây lai có khả năng mở rộng đám mây để truy cập vào các tài nguyên đám mây công cộng khi dùng hết công suất điện toán tại chỗ. Bằng cách triển khai các kỹ thuật mở rộng đám mây, người dùng đám mây có thể:
- Sử dụng tài nguyên cục bộ hiệu quả
- Giảm chi phí đầu tư phát sinh vào cơ sở hạ tầng tại chỗ
- Tận hưởng quy mô và tính linh hoạt của các đám mây công cộng
- Tránh gây gián đoạn dịch vụ đối với các ứng dụng trọng yếu của doanh nghiệp do khối lượng công việc gia tăng đột biến
Các tổ chức nên sử dụng mở rộng đám mây vào lúc nào?
Sau đây là những ví dụ phổ biến về các trường hợp sử dụng mở rộng đám mây:
Các chiến dịch tiếp thị
Cũng giống như các đợt ra mắt sản phẩm hay khuyến mãi theo mùa, các chiến dịch tiếp thị tạo ra lưu lượng truy cập lớn, giảm dần sau khi kết thúc sự kiện. Dung lượng tài nguyên tại chỗ của bạn có thể đủ dùng tại các thời điểm khác, thế nhưng con số đó có thể không đáp ứng nổi lưu lượng truy cập vượt mức. Bạn có thể sử dụng mở rộng đám mây để đáp ứng nhu cầu cao nhất vào những thời điểm này mà không cần phải mua thêm tài nguyên điện toán.
Phân tích dữ liệu lớn
Các tác vụ tạo mô hình dữ liệu lớn như kết xuất 3-D hay máy học thường cần nhiều tài nguyên hơn, chẳng hạn như dung lượng của bộ xử lý và bộ nhớ trong. Những tác vụ này không phải tiêu chuẩn, cho nên chúng rất phù hợp để mở rộng đám mây sang đám mây công cộng. Các nhà cung cấp dịch vụ đám mây công cộng cũng có các tài nguyên tối ưu hóa đặc biệt cho các tác vụ phân tích dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo.
Mở rộng đám mây hoạt động như thế nào?
Các quản trị viên CNTT cấu hình giới hạn dung lượng tài nguyên điện toán tại chỗ của họ. Khi khối lượng công việc của một ứng dụng đạt giới hạn, ứng dụng này sẽ chuyển sang sử dụng tài nguyên đám mây công cộng. Công nghệ bộ cân bằng tải chuyển hướng các yêu cầu đến cho ứng dụng sang đám mây.
Sau đây là các dạng kiến trúc mở rộng đám mây.
Mở rộng thủ công
Mở rộng thủ công là một phương pháp mở rộng đám mây mà bạn có thể sử dụng để phân bổ hoặc hủy phân bổ thủ công các dịch vụ đám mây công cộng khi cần. Phần mềm cân bằng tải giám sát mức sử dụng tài nguyên và gửi các cảnh báo cho phép bạn thao tác thủ công trên đó.
Ưu và nhược điểm
Các tổ chức sử dụng tính năng mở rộng thủ công để tạo các bản triển khai đám mây có kích thước lớn, tạm thời cho các tác vụ cụ thể. Mở rộng thủ công giúp kiểm thử các dự án mở rộng đám mây mới. Tuy nhiên, phương pháp này tăng rủi ro xảy ra lỗi do con người và triển khai vô ý.
Mở rộng tự động
Mở rộng tự động sử dụng các công cụ mở rộng đám mây để tự động phân bổ các tài nguyên từ nhà cung cấp dịch vụ đám mây công cộng của bạn. Bạn có thể thiết lập các chính sách xác định cách công cụ giải quyết nhu cầu lớn hơn. Công cụ này chủ động phân bổ các tài nguyên đám mây khi được yêu cầu và hủy phân bổ khi nhu cầu giảm xuống.
Ưu và nhược điểm
Các công cụ mở rộng đám mây tự động có thể tạo, mở rộng, thu nhỏ và loại bỏ các tài nguyên đám mây một cách tự động. Các công cụ này giúp giảm lỗi do con người và sử dụng hợp lý cả cơ sở hạ tầng công cộng lẫn tại chỗ của bạn.
Cân bằng tải phân tán
Cân bằng tải phân tán là một cách tiếp cận mở rộng đám mây giúp vận hành khối lượng công việc song song giữa cơ sở hạ tầng đám mây công cộng và trung tâm dữ liệu của bạn. Bạn cần phải thiết lập một bản triển khai dự phòng trong đám mây công cộng có mức dung lượng tối thiểu. Bạn cũng phải đặt các ngưỡng tải trong cơ sở hạ tầng tại chỗ của bạn và phân phối chúng khi cần. Các hoạt động cân bằng tải chia sẻ lưu lượng truy cập giữa cơ sở hạ tầng tại chỗ của bạn và đám mây công cộng, tự động tăng quy mô theo tài nguyên cho bản triển khai dự phòng để giải quyết các tải lớn hơn.
Làm thế nào để các tổ chức có thể triển khai mở rộng đám mây một cách hiệu quả?
Để triển khai mở rộng đám mây một cách hiệu quả, các tổ chức cần có các tính năng sau.
Khả năng hiển thị thông tin chi tiết
Các dịch vụ của nhà cung cấp dịch vụ đám mây phải bao gồm khả năng hiển thị chi tiết để tinh chỉnh mở rộng. Bằng cách giám sát mức sử dụng tài nguyên chi tiết, các tổ chức có thể khắc phục những điểm phức tạp và tăng cường khả năng của đám mây lai.
Độ hiệu quả
Các tổ chức cần phải triển khai các phần mềm và công cụ có khả năng tự động điều phối các tài nguyên điện toán đám mây. Cân bằng thủ công chỉ hiệu quả đối với các hoạt động nhỏ và trường hợp sử dụng cụ thể. Các tổ chức cần phải triển khai tự động hóa nếu muốn thay đổi quy mô một cách hiệu quả.
Biện pháp kiểm soát
Bạn cần khả năng giám sát để theo dõi và đảm bảo phân bổ các tài nguyên hợp lý mà không gây gián đoạn dịch vụ, đặc biệt vào những lúc nhu cầu đạt đỉnh. Các công cụ mở rộng đám mây và các dịch vụ có khả năng triển khai giám sát và báo cáo giúp giảm chi phí và tăng mức độ hiệu quả theo thời gian.
Làm thế nào để bạn có thể triển khai mở rộng đám mây trên AWS?
Các dịch vụ đám mây lai AWS cung cấp một trải nghiệm AWS nhất quán giữa các tài nguyên tại chỗ và trên đám mây AWS. Lựa chọn từ nhóm dịch vụ đa dạng nhất để xây dựng các kiến trúc mở rộng đám mây có thể đáp ứng các yêu cầu và trường hợp sử dụng cụ thể của bạn. Các dịch vụ đám mây bao gồm: dịch vụ điện toán, kết nối mạng, lưu trữ, bảo mật, danh tính, tích hợp dữ liệu, quản lý, giám sát và vận hành.
Chẳng hạn, bạn có thể sử dụng các dịch vụ sau:
- Cổng lưu trữ AWS cung cấp cho các ứng dụng tại chỗ quyền tiếp cận vào bộ lưu trữ đám mây gần như không giới hạn.
- Amazon CloudWatch là một dịch vụ có khả năng quan sát để thống nhất chế độ xem tài nguyên và dịch vụ chạy trên AWS và tại chỗ của bạn.
- Trình quản lý hệ thống AWS là một trung tâm tập trung cho phép bạn theo dõi và giải quyết những vấn đề về hoạt động trên khắp tài nguyên AWS và tại chỗ của bạn.
Bắt đầu sử dụng mở rộng đám mây trên AWS bằng cách tạo tài khoản AWS ngay hôm nay.
Các bước tiếp theo để sử dụng cấu hình Mở rộng đám mây với AWS
Bắt đầu xây dựng với đám mây lai AWS trên Bảng điều khiển quản lý AWS.