SDK là gì?

Bộ phát triển phần mềm (SDK) là một tập hợp các công cụ dựng theo nền tảng dành cho nhà phát triển. Bạn cần có các thành phần như trình gỡ lỗi, trình biên dịch và thư viện để tạo mã chạy trên một nền tảng, hệ điều hành hoặc ngôn ngữ lập trình cụ thể. SDK đưa mọi thứ bạn cần để phát triển và chạy phần mềm vào một nơi duy nhất. Ngoài ra, chúng còn chứa các tài nguyên như tài liệu, hướng dẫn và chỉ dẫn cùng các API và bộ khung để đẩy nhanh quá trình phát triển ứng dụng.

SDK mang lại những lợi ích gì?

SDK cung cấp nhiều lợi ích trong suốt quá trình phát triển, từ đó giúp nhà phát triển tạo lập ứng dụng. Những lợi ích này bao gồm:

Phát triển hiệu quả

SDK giúp việc phát triển trở nên hiệu quả hơn bằng cách cung cấp các thành phần và thư viện dựng sẵn có thể tích hợp vào ứng dụng. Những thành phần này giúp nhà phát triển tiết kiệm được nhiều thời gian mà trước đây họ tiêu tốn vào lập trình và gỡ lỗi từ đầu. 

Triển khai nhanh hơn

SDK cho phép triển khai nhanh hơn bằng cách cung cấp các công cụ cho phép nhà phát triển dựng và tích hợp ứng dụng nhanh chóng. Chúng thường hỗ trợ nhiều nền tảng, cho phép nhà phát triển triển khai nhanh chóng trên nhiều thiết bị hoặc hệ điều hành.

Tích hợp

SDK cung cấp các mô-đun, thành phần, gói và công cụ dựng sẵn để nhà phát triển dựng, kiểm thử và triển khai ứng dụng phần mềm. Chúng đơn giản hóa quy trình phát triển, kiểm thử và tích hợp với các hệ thống và dịch vụ khác, mã mẫu và hướng dẫn, công cụ gỡ lỗi và thư viện mã. 

Tiết kiệm chi phí

SDK giảm thời gian và nguồn lực cần thiết để phát triển ứng dụng. Nhờ việc cung cấp một thư viện gồm nhiều thành phần và công cụ dựng sẵn, SDK cho phép nhà phát triển dựng các tính năng và chức năng nhanh chóng. SDK giảm thời gian và chi phí cần thiết để tạo ứng dụng mới. Chúng cũng giảm chi phí liên quan đến việc triển khai và duy trì ứng dụng, cung cấp các quy trình cài đặt đơn giản và các bản cập nhật.

SDK có công dụng gì?

Một số công dụng của SDK gồm:

Phát triển ứng dụng di động

SDK cung cấp cho nhà phát triển các công cụ, thư viện và nhiều tài nguyên khác để phát triển ứng dụng di động, trong đó bao gồm các thành phần để gỡ lỗi, giám sát và tối ưu hóa hiệu suất ứng dụng di động. Nhà phát triển có thể dựng các phần tử giao diện người dùng (UI), truy cập dữ liệu và tích hợp với các dịch vụ của bên thứ ba. SDK cũng giúp đơn giản hóa công việc triển khai ứng dụng trên nhiều nền tảng khác nhau, chẳng hạn như iOS hoặc Android. 

Phát triển web

SDK cung cấp cho nhà phát triển các công cụ cần thiết để xây dựng front end của ứng dụng web, chẳng hạn như HTML, CSS và JavaScript, cũng như các tài nguyên back end như cơ sở dữ liệu, ngôn ngữ lập trình phía máy chủ, bộ khung và API. Ngoài ra, SDK còn cung cấp các công cụ triển khai để lưu trữ và điều chỉnh quy mô.

Điện toán đám mây

SDK cung cấp API và thư viện để kết nối với dịch vụ lưu trữ đám mây hoặc để truy cập vào các dịch vụ điện toán đám mây như cơ sở dữ liệu, phân tích hoặc máy học. Nhà phát triển sử dụng chúng để tích hợp với môi trường đám mây bằng ngôn ngữ ưa thích tùy ý.

Internet vạn vật (IoT)

Nhà phát triển sử dụng SDK để tạo ra các ứng dụng IoT tương tác với cảm biến, cho phép họ tạo ra các ứng dụng có khả năng giám sát, thu thập và phân tích dữ liệu từ môi trường. Ngoài ra, bạn có thể quản lý firmware của thiết bị và các bản cập nhật phần mềm hiệu quả hơn, vì SDK thường cung cấp các bản cập nhật và bản vá bảo mật.

Phát triển trò chơi

SDK dành cho trò chơi thường đi kèm với mã mẫu, hướng dẫn và các tài nguyên khác để giúp nhà phát triển tạo lập trò chơi. Thư viện đồ họa 3D, thư viện âm thanh, công cụ vật lý, thư viện trí tuệ nhân tạo, thư viện mạng và công cụ phát triển đều là các thành phần tiêu chuẩn của trò chơi.

SDK thường có những công cụ nào?

Bộ phát triển phần mềm thường chứa nhiều công cụ phát triển phần mềm và khối dựng khác nhau. Các dịch vụ này bao gồm:

Thư viện API

Thư viện giao diện lập trình ứng dụng (API) là các tập hợp mã được viết bằng một ngôn ngữ lập trình cụ thể, chẳng hạn như Java, C# hoặc Python. Bạn sử dụng API để truy cập vào các tính năng cụ thể, ứng dụng phần mềm hoặc hệ điều hành như iOS hoặc Android.  

Trình gỡ lỗi

Trình gỡ lỗi tìm và sửa lỗi trong mã phần mềm, cung cấp khả năng truy cập theo thời gian thực vào thành phần bên trong của các chương trình phần mềm. Các tính năng gỡ lỗi tiêu chuẩn bao gồm thiết lập điểm ngắt để tạm dừng chương trình, kiểm tra giá trị của biến và kiểm tra từng dòng mã.

Trình biên dịch và trình diễn giải

Trình biên dịch và trình diễn giải chuyển đổi mã được viết bằng ngôn ngữ lập trình thành mã mà máy có thể đọc được. Trình biên dịch tạo ra các chương trình thực thi, còn trình diễn giải trực tiếp chạy các chương trình.

Trình phân tích hiệu suất

Trình phân tích hiệu suất phân tích hiệu suất ứng dụng, bao gồm việc sử dụng bộ nhớ, thời gian thực thi và đường dẫn thực thi mã. Bằng cách thu thập và phân tích dữ liệu, trình phân tích hiệu suất giúp xác định các khu vực có thể tối ưu hóa hoặc có thể đã xảy ra sự cố trong một chương trình. 

Mã mẫu

Mã mẫu là những ví dụ về đoạn mã mà các nhà phát triển sử dụng để hiểu và triển khai các khái niệm hoặc tính năng cụ thể. Mã mẫu cho biết cách sử dụng các thành phần SDK như thư viện và API để dựng ứng dụng. 

Công cụ triển khai

Công cụ triển khai cho phép đội ngũ phát triển triển khai ứng dụng vào nền tảng đích. Việc này có thể bao gồm cấu hình ứng dụng cho nền tảng liên quan và đóng gói ứng dụng. Ví dụ về công cụ triển khai bao gồm trình cài đặt, công cụ tự động hóa và trình hướng dẫn triển khai.

Môi trường phát triển tích hợp (IDE)

IDE tập hợp các công cụ thiết yếu mà nhà phát triển sử dụng để viết và kiểm thử phần mềm cũng như để gỡ lỗi mã. IDE thường gồm một trình soạn thảo mã, trình biên dịch, trình gỡ lỗi, trình quản lý dự án và một hệ thống kiểm soát phiên bản.

SDK hoạt động như thế nào?

Hoạt động sử dụng SDK thường gồm ba bước: 

  1. Mua hoặc tải xuống, sau đó cài đặt SDK theo nền tảng.
  2. Sử dụng SDK để phát triển ứng dụng trong một môi trường phát triển tích hợp.
  3. Sử dụng các hướng dẫn, tài liệu, mã mẫu và công cụ kiểm thử có trong SDK để phát triển hiệu quả.

Sự khác biệt giữa SDK và API

API là một tập hợp hướng dẫn lập trình cho phép các ứng dụng giao tiếp với nhau. API cung cấp cách thức để các ứng dụng truy cập và chia sẻ dữ liệu, thường thông qua một loạt các yêu cầu và phản hồi. Chẳng hạn như, API web có thể cho phép người dùng tìm kiếm một sản phẩm trên một trang web và API sẽ phản hồi với thông tin liên quan. Nhà phát triển sử dụng API để tích hợp ứng dụng của họ với dịch vụ của bên thứ ba, chẳng hạn như mạng xã hội hoặc bên xử lý thanh toán. API là cầu nối giao tiếp giữa hai ứng dụng. Trái lại, SDK mang công cụ của bên thứ ba đến môi trường của nhà phát triển. 

Cần cân nhắc những gì khi lựa chọn SDK?

SDK bạn chọn nên được tối ưu hóa cho trường hợp sử dụng cụ thể, không làm chậm ứng dụng của bạn và cung cấp các biện pháp bảo mật cần thiết để bảo vệ dữ liệu người dùng. Một số điều cần cân nhắc gồm:

Thỏa thuận cấp phép

Kiểm tra thỏa thuận cấp phép của SDK có vai trò rất quan trọng, giúp người dùng đảm bảo được rằng SDK bao gồm tất cả các công dụng cần thiết. Thỏa thuận cấp phép phải tuân thủ về mặt pháp lý và không có hạn chế đối với việc sử dụng hoặc phân phối các ứng dụng do bạn phát triển. Quan trọng là bạn phải hiểu những hạn chế của bất kỳ giấy phép nguồn mở nào được liên kết với SDK.

Bảo mật

Bạn phải đảm bảo rằng SDK đến từ các nguồn được cấp phép và không chứa bất kỳ mã độc hoặc có hại nào. SDK bạn sử dụng phải có giấy phép thỏa đáng, hỗ trợ và cập nhật thường xuyên để đảm bảo tính bảo mật. 

Khả năng tương thích

Khi quyết định loại SDK sẽ sử dụng, điều quan trọng là bạn phải đảm bảo khả năng tương thích với cơ sở hạ tầng triển khai ứng dụng. Ví dụ như, SDK phải tương thích với hệ điều hành của tất cả các thiết bị bạn dự tính sẽ hỗ trợ. SDK cũng cần hỗ trợ ngôn ngữ bạn dùng để viết ứng dụng và cung cấp cách thức tích hợp với các ngôn ngữ khác.

AWS cung cấp những SDK nào?

AWS cung cấp SDK cho nhiều công nghệ và ngôn ngữ lập trình phổ biến. Những SDK này giúp bạn dễ dàng gọi các dịch vụ AWS từ bên trong ứng dụng bằng ngôn ngữ hoặc công nghệ đó. Ngoài ra, AWS cũng cung cấp SDK cho các dịch vụ SaaS của AWS để bạn có thể sử dụng chúng hiệu quả hơn trong mã của mình. Sau đây là một số ví dụ:

  • SDK AWS dành cho .NET cung cấp các Dịch vụ AWS được đơn giản hóa thông qua một tập hợp các thư viện đồng nhất và quen thuộc với nhà phát triển .NET. 
  • SDK AWS dành cho Python tích hợp các ứng dụng, thư viện hoặc tập lệnh Python với các dịch vụ AWS.
  • SDK AWS dành cho Ruby giúp loại bỏ những vấn đề phức tạp trong lập trình bằng cách cung cấp các lớp Ruby cho nhiều dịch vụ AWS.
  • SDK AWS dành cho Rust giúp đơn giản hóa việc sử dụng dịch vụ AWS bằng cách cung cấp một tập hợp thư viện đồng nhất và quen thuộc cho nhà phát triển Rust.
  • SDK AWS WorkDocs xóa bỏ tính phức tạp của việc xây dựng các chức năng quản lý và cộng tác trên tệp vào những giải pháp và ứng dụng của bạn, cung cấp đầy đủ quyền truy cập ở cấp độ quản trị viên và cấp độ người dùng vào tài nguyên trang web Amazon WorkDocs
  • SDK Amazon Chime cho phép nhà phát triển thêm giọng nói, video và tin nhắn trong thời gian thực dựa trên nền tảng máy học vào các ứng dụng.

Bắt đầu dùng thử AWS miễn phí để bắt đầu sử dụng đúng SDK AWS cho doanh nghiệp bạn.

Các bước tiếp theo trên AWS

Tham khảo các tài nguyên bổ sung liên quan đến sản phẩm
Tham khảo Dịch vụ công cụ dành cho nhà phát triển 
Đăng ký tài khoản miễn phí

Nhận ngay quyền sử dụng Bậc miễn phí của AWS.

Đăng ký 
Bắt đầu xây dựng trong bảng điều khiển

Bắt đầu xây dựng trong AWS Management Console.

Đăng nhập