Tạo sơ đồ kiến trúc là gì?
Tạo sơ đồ kiến trúc là quá trình tạo hình ảnh biểu diễn trực quan các thành phần trong hệ thống phần mềm. Trong hệ thống phần mềm, thuật ngữ kiến trúc đề cập đến nhiều chức năng khác nhau, các phương án triển khai và tương tác giữa các chức năng. Vì phần mềm vốn đã trừu tượng, nên sơ đồ kiến trúc minh họa trực quan các quá trình di chuyển dữ liệu khác nhau trong hệ thống. Ngoài ra, sơ đồ kiến trúc cũng làm nổi bật cách phần mềm tương tác với môi trường xung quanh.
Lợi ích từ việc tạo sơ đồ kiến trúc là gì?
Tạo sơ đồ kiến trúc có một số lợi ích, ví dụ như cộng tác, giảm rủi ro, tính hiệu quả và khả năng điều chỉnh quy mô.
Cộng tác
Sơ đồ kiến trúc thúc đẩy đáng kể việc cộng tác giữa các nhà phát triển và các nhà thiết kế, đồng thời giúp mọi người có cái nhìn thống nhất về chức năng hệ thống và những vấn đề có thể phát sinh. Hiểu biết chung về hệ thống, ứng dụng hoặc trang web có một số lợi ích. Hiểu biết này hỗ trợ giao tiếp trong suốt quá trình thiết kế, giúp các nhóm phát triển các thành phần phần mềm hệ thống có hiệu quả và đảm bảo dự án đạt được các mục tiêu.
Giảm rủi ro
Sơ đồ kiến trúc xác định các rủi ro phát triển hệ thống có thể có, ví dụ như giả định không chính xác, logic lỗi hoặc kiểm thử không thỏa đáng. Khi xác định và xử lý rủi ro từ sớm trong vòng đời phát triển phần mềm, nhóm phát triển có thể thực hiện các thay đổi từ sớm và giảm rủi ro xuất hiện những vấn đề nghiêm trọng sau này.
Tìm hiểu về vòng đời phát triển phần mềm »
Tính hiệu quả
Sơ đồ kiến trúc cho thấy rõ ràng các thành phần và cấu trúc của hệ thống. Như vậy, các bên liên quan có thể xác định chính xác vấn đề và giải quyết nhanh chóng. Sơ đồ cũng giúp duy trì hệ thống và điều chỉnh quy mô hệ thống dễ dàng hơn, vì thế, những thay đổi liên tục sẽ hiệu quả hơn.
Khả năng điều chỉnh quy mô
Sơ đồ kiến trúc cho phép bên liên quan xác định những cách hiệu quả để điều chỉnh quy mô hệ thống. Ví dụ: sơ đồ có thể cho thấy hệ thống có kiến trúc tập trung hay phân tán. Vì các thành phần phân tán điều chỉnh quy mô hiệu quả hơn, nên có thể cập nhật hoặc thay thế các thành phần một cách kịp thời. Tương tự, hình ảnh biểu diễn bằng đồ họa cho biết thông tin chuyên sâu về cách lưu trữ và di chuyển dữ liệu. Bên liên quan có thể xác định các điểm gây cản trở và các cách để tránh những điểm đó.
Bạn có thể biểu diễn những kiểu mẫu kiến trúc phần mềm nào bằng cách tạo sơ đồ kiến trúc?
Các kiểu mẫu kiến trúc phần mềm là các nguyên tắc và thông lệ tốt nhất trong thiết kế, được sử dụng để phát triển các hệ thống phần mềm. Các kiểu mẫu này cung cấp khung để tạo cấu trúc cho phần mềm và giải quyết những khó khăn cụ thể trong kiến trúc phần mềm phức tạp.
Sau đây là một vài trong số những kiểu mẫu kiến trúc phần mềm được sử dụng phổ biến nhất.
Kiến trúc khách - chủ
Kiến trúc khách-chủ là một cấu trúc ứng dụng phân phối, tách riêng tác vụ và khối lượng công việc giữa máy chủ và máy khách. Máy chủ cung cấp tài nguyên hoặc dịch vụ và máy khách yêu cầu tài nguyên hoặc dịch vụ đó.
Máy khách và máy chủ là những chương trình riêng giao tiếp qua một mạng. Trình duyệt web và máy chủ web là ví dụ về kiến trúc khách - chủ. Đây là kiến trúc được sử dụng phổ biến trong điện toán phân tán.
Tìm hiểu về điện toán phân tán »
Kiến trúc hướng dịch vụ
Kiến trúc hướng dịch vụ cho phép tương tác giữa các thành phần ứng dụng phân tán thông qua dịch vụ. Các dịch vụ có tính trừu tượng, ít phụ thuộc và độc lập với ngôn ngữ. Các ứng dụng truy cập các dịch vụ này thông qua giao diện. Các nhà phát triển có thể sử dụng lại các dịch vụ hiện có thay vì phải xây dựng lại từ đầu. Kiến trúc hướng dịch vụ được sử dụng rộng rãi trong các hệ thống phân tán, vì có thể triển khai dịch vụ trên nhiều máy chủ.
Tìm hiểu về kiến trúc hướng dịch vụ »
Kiến trúc vi dịch vụ
Kiến trúc hướng dịch vụ đã phát triển hơn nữa, nên các nhà phát triển sử dụng kiến trúc vi dịch vụ để xây dựng, triển khai và quản lý từng dịch vụ riêng lẻ. Các ứng dụng được tách thành những dịch vụ có thể triển khai độc lập giao tiếp thông qua API.
Các dịch vụ độc lập, nhỏ hơn giúp các nhà phát triển có thể phát triển, kiểm thử và triển khai ứng dụng một cách đơn giản hơn, đồng thời cải thiện khả năng chịu lỗi và khả năng điều chỉnh quy mô nhanh chóng. Một ví dụ về kiến trúc vi dịch vụ là ứng dụng web chứa một số dịch vụ độc lập, mỗi dịch vụ chịu trách nhiệm về các tác vụ cụ thể.
Kiến trúc tập trung vào đám mây
Kiến trúc tập trung vào đám mây được sử dụng để thiết kế và xây dựng các ứng dụng cho môi trường đám mây. Kiến trúc tập trung vào đám mây được xây dựng và cung cấp với các công nghệ dành riêng cho đám mây, ví dụ như bộ chứa, vi dịch vụ, Devops và điện toán phi máy chủ. Kiến trúc này ưu tiên triển khai và quản lý tự động, để có thể tăng và giảm quy mô ứng dụng theo tài nguyên nếu cần.
Tìm hiểu về kiến trúc phi máy chủ »
Kiến trúc định hướng theo sự kiện
Kiến trúc định hướng theo sự kiện là kiến trúc phần mềm dựa trên việc sản xuất, phát hiện và tiêu thụ các sự kiện. Tương tác người dùng, tác vụ nền và các nguồn khác sẽ kích hoạt các sự kiện mà kích hoạt thêm chức năng khác. Kiến trúc định hướng theo sự kiện cho phép các ứng dụng phản hồi nhạy hơn với những thay đổi trong hệ thống phần mềm và môi trường của hệ thống này.
Kiến trúc phân lớp
Kiến trúc phân lớp là một kiểu mẫu kiến trúc phần mềm tách riêng các ứng dụng thành nhiều lớp dựa trên logic. Loại kiến trúc này được thiết kế để đơn giản hóa các ứng dụng và hệ thống phức tạp, vì bạn có thể tách tác vụ giữa các lớp.
Các lớp được sắp xếp từ trên xuống dưới:
- Một lớp trình bày (ví dụ: UI) trên đầu
- Một lớp kinh doanh ở giữa
- Một lớp dữ liệu ở cuối
Các lớp cũng có thể có cấu trúc theo thứ bậc, hỗ trợ cho khả năng điều chỉnh quy mô và việc bảo trì.
Trong sơ đồ kiến trúc có những loại thông tin nào?
Sau đây là một số loại thông tin phổ biến có trong sơ đồ kiến trúc:
- Các hình vuông và hình tròn tượng trưng cho các thành phần, ví dụ như cơ sở dữ liệu, mạng, ứng dụng và dịch vụ
- Các đường thẳng và mũi tên cho thấy kết nối và tương tác giữa các thành phần của hệ thống
- Nhãn cung cấp thêm thông tin về các thành phần và kết nối
Ngoài ra, sơ đồ cũng có thể sử dụng các biểu tượng hoặc ký hiệu để biểu diễn trực quan các thành phần khác nhau. Một chú thích nhỏ ở dưới cùng, tương tự như chú thích trên bản đồ, sẽ giải thích ý nghĩa biểu tượng. Cách sắp xếp các thành phần và kết nối được gọi là bố cục.
Có những loại sơ đồ kiến trúc nào?
Một vài loại sơ đồ kiến trúc biểu diễn trực quan được nhiều hệ thống và kiến trúc phần mềm khác nhau. Sau đây là một số ví dụ về sơ đồ kiến trúc phổ biến nhất.
Sơ đồ kiến trúc tham chiếu
Sơ đồ kiến trúc tham chiếu biểu diễn trực quan các thành phần phần mềm, các mối quan hệ và tương tác hệ thống. Loại sơ đồ này ghi chép, phân tích và truyền đạt thiết kế phần mềm, đồng thời được sử dụng để ra quyết định thực hiện. Các sơ đồ loại này có thể là các sơ đồ chung, đơn giản cho đến mô tả chi tiết các tương tác của thành phần phần mềm.
Sơ đồ kiến trúc hệ thống
Sơ đồ kiến trúc hệ thống minh họa trực quan nhiều thành phần khác nhau của hệ thống và cho thấy cách các thành phần này giao tiếp và tương tác với nhau. Các sơ đồ loại này ghi chép cấu trúc và kiến trúc của hệ thống. Điều này cho phép hiểu rõ hơn về cách thức hoạt động của hệ thống và cách có thể cải thiện hệ thống.
Sơ đồ kiến trúc ứng dụng
Sơ đồ kiến trúc ứng dụng minh họa kiến trúc ứng dụng. Loại sơ đồ này bao gồm các thành phần và cách các thành phần này tương tác với nhau, cũng như luồng dữ liệu giữa các thành phần này. Sơ đồ kiến trúc ứng dụng cung cấp thông tin toàn diện về ứng dụng và được sử dụng để cung cấp thông tin về thiết kế, việc thực hiện và bảo trì của ứng dụng.
Sơ đồ kiến trúc tương tác
Sơ đồ kiến trúc tương tác biểu diễn trực quan các thành phần, dữ liệu và công nghệ liên quan đến các giải pháp tích hợp. Loại sơ đồ này cho thấy mối quan hệ giữa các thành phần, hệ thống và dịch vụ khác nhau, đồng thời được sử dụng để giúp thiết kế, phát triển và quản lý các giải pháp tích hợp phức tạp. Các sơ đồ loại này được sử dụng để ghi chép và giải thích các hệ thống hiện tại, cũng như lập kế hoạch và phát triển các giải pháp tích hợp mới.
Sơ đồ kiến trúc triển khai
Sơ đồ kiến trúc triển khai biểu diễn trực quan các mối quan hệ giữa các thành phần ứng dụng khác nhau và môi trường triển khai. Sơ đồ kiến trúc triển khai cho thấy bố cục của ứng dụng và các thành phần của ứng dụng, ví dụ, bao gồm máy chủ, bộ nhớ và mạng. Loại sơ đồ này được sử dụng để lập kế hoạch công suất, khả năng điều chỉnh quy mô và khả năng chịu lỗi.
Sơ đồ kiến trúc DevOps
Sơ đồ kiến trúc DevOps trực quan hóa các thành phần của hệ thống DevOps và cách tương tác của các thành phần này. Loại sơ đồ này thường bao gồm các thành phần như môi trường phát triển, quy trình tích hợp liên tục và cung cấp liên tục, cơ sở hạ tầng dưới dạng mã và dịch vụ đám mây. Loại sơ đồ này minh họa tương tác và vị trí của các thành phần trong môi trường Devops rộng hơn.
Tìm hiểu về cơ sở hạ tầng dưới dạng dịch vụ »
Sơ đồ kiến trúc trang web
Sơ đồ kiến trúc trang web biểu diễn trực quan các cấu trúc trang web. Loại sơ đồ này lập bản đồ trực quan mối quan hệ và tương tác giữa các thành phần của trang web, ví dụ như trang web, cơ sở dữ liệu và hệ thống quản lý nội dung. Các nhà thiết kế web có quyền truy cập sơ đồ kiến trúc trang web có thể xác định các lĩnh vực trục trặc tiềm tàng và xây dựng các chiến lược hiệu quả để cải thiện hiệu năng của trang web.
AWS có thể hỗ trợ các yêu cầu tạo sơ đồ kiến trúc của bạn như thế nào?
Tại Amazon Web Services (AWS), chúng tôi cung cấp Workload Discovery trên AWS làm công cụ trực quan hóa khối lượng công việc trên Đám mây AWS. Bạn có thể sử dụng công cụ ày để xây dựng, tùy chỉnh và chia sẻ các sơ đồ kiến trúc chi tiết cho khối lượng công việc của mình trên dữ liệu trực tiếp từ AWS. Workload Discovery trên AWS xóa bỏ chi phí vận hành đáng kể của quy trình ghi chép thông qua cung cấp cả dữ liệu và công cụ trực quan hóa ở cùng một nơi.
Sau đây là những cách có thể giúp ích cho bạn từ Workload Discovery trên AWS:
- Xây dựng, tùy chỉnh và chia sẻ các sơ đồ kiến trúc chi tiết
- Lưu và xuất các sơ đồ kiến trúc
- Truy vấn báo cáo chi phí và mức sử dụng AWS
- Tìm kiếm và xác định vị trí thông tin cơ bản, ví dụ như tên tài nguyên, tên thẻ hoặc địa chỉ IP
- Khám phá các tài nguyên trong tài khoản và Khu vực AWS thông qua danh mục tài nguyên
Bắt đầu tạo sơ đồ kiến trúc trên AWS bằng cách tạo tài khoản AWS miễn phí ngay hôm nay.